Chào các bạn, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quy trình nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam bằng đường biển và đường hàng không. Bài viết này khá chi tiết giúp những bạn mới vô nghề hiểu được một quy trình cụ thể và làm đúng.
Nói về nhập khẩu thì có nhiều loại hình nhập khác nhau, nhưng để đơn giản và giúp các bạn dễ nắm bắt quy trình, trong bài này mình sẽ chia sẻ về quy trình nhập khẩu hàng kinh doanh (nhập theo loại hình A11, A12 trong phần mềm khai báo hải quan)
Trong bài viết này SongAnhLogs sẽ trình bày quy trình tổng quát và chi tiết nhất từ khi ký hợp đồng đến khâu nhận hàng. Trong từng bước có nói đến các công việc mà nhà nhập khẩu cần phải làm. Quy trình
Quy Trình Nhập Khẩu Hàng Hóa Tổng Quát
Đối với một lô hàng cơ bản, bạn sẽ làm thủ tục nhập khẩu theo quy trình sau đây:
Chi Tiết Các Bước Cần Thực Hiện
Để làm được toàn bộ quy trình một cách bài bản và hiệu quả. Ngoài hiểu rõ tổng quát quy trình, trong phần này SongAnhLogs sẽ hướng dẫn các bạn các công việc cần phải thực hiện trong từng bước.
Ký kết hợp đồng ngoại thương (sale contract)
Sau khi tìm được nguồn hàng, bạn sẽ thương lượng và thỏa thuận các điều kiện và điều khoản giao hàng, để ràng buộc và có tính pháp lý, chúng ta sẽ đưa các thỏa thuận đạt được vào hợp đồng ngoại thương.
Tùy mặt hàng đặc thù mà có các điều khoản khác như, nhưng trong đó bạn cần chú ý các điểm chính sau đây:
- Tên hàng (tên hàng đầy đủ là gì, nếu máy móc thì thể hiện rõ model, nhãn hiệu – nhập xe thì phải có số model, nhãn hiệu, số khung, số máy, số seri – nhập nông sản phải thể hiện rõ là mùa vụ nào,……)
- Quy cách đóng gói (đóng kiện gỗ hay thùng carton, mỗi thùng bao nhiêu bịch/gói/hủ….)
- Số lượng, trọng lượng
- Đơn giá, trị giá lô hàng cùng đồng tiền thanh toán
- Điều kiện giao hàng(điều kiện gì trong incoterms 2000 hoặc 2010: FOB hay CIF, CIF, CIP,….)
- Thanh toán: thời hạn và điều kiện thanh toán (TT, L/C,…….khi nào phải thanh toán, trả trước hay trả sau, trả một lần hay trả nhiều lần……….)
- Bộ chứng từ yêu cầu (invoice, packing list, Bill of lading, C/O, C/Q, Phyto,…..)
Hai bên ký hợp đồng : tùy mức độ tin tưởng sẽ ký trực tiếp, ký online,…sau khi ký xong hợp đồng bạn sẽ chuẩn bị các bước tiếp theo để đưa hàng về.
Đặt lịch tàu (booking tàu)
Tùy điều kiện giao hàng thỏa thuận trong hợp đồng mà bạn xác định được bên nào sẽ thuê tàu để vận chuyển hàng, mình ví dụ: bạn ký hợp đồng với điều kiện giao hàng là FOB – khi đó người mua sẽ thuê tàu.
Bước 1: bạn chọn hãng tàu hoặc đại lý để thuê tàu
Kiểm tra giá cước và các khoảng local charge
Kiểm tra lịch tàu chạy : 1 tuần có mấy chuyến, chạy vào ngày nào, hành trình trên biển là bao nhiêu ngày
Sau khi chọn được hãng tàu hoặc FWD, bạn cung cấp thông tin để lấy booking note, bao gồm:
• Tên hàng
• Số lượng cont (cont 20’, 40’, cont lạnh hay cont khô,….) / đối với hàng FCL thì bạn cung cấp số kiện, số kg và số cbm hàng hóa
• Cảng bốc hàng
• Cảng dỡ hàng
• Thời gian hàng sẵn sàng để hãng tàu sắp xếp lịch tàu chạy phù hợp
• Các điều kiện khác tùy chủng loại hàng riêng biệt.
Bạn chỉ cần cung cấp thông tin đặt chỗ và thông tin liên hệ với shipper, hãng tàu hoặc FWD sẽ chủ động liên hệ với shipper để xác nhận và gửi booking note để shipper sắp xếp đưa hàng ra theo lịch.
Đối với booking note hàng nhập khẩu, sau khi nhận được booking note bạn chỉ cần kiểm tra lại số lượng cont, cảng đi, cảng đến và các yêu cầu đặc biệt (nếu có), bạn không cần quan tâm quá nhiều đến closing time hay VGM cut-off như đối với hàng xuất, do việc này phía shipper sẽ theo dõi và tự sắp xếp.
Xin giấy phép nhập khẩu nếu có (import licence – if any)
Đối với các mặt hàng không cần giấy phép khi nhập khẩu bạn bỏ qua bước này.
Đối với các mặt hàng cần giấy phép khi nhập khẩu (ví dụ: nhập trái cây tươi, giống cây trồng, động vật sống, v/v, bạn cần chú ý các chi tiết sau:
Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép, điều kiện – Phụ lục III – ban hành kèm Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính Phủ.
Thông thường thời gian xin giấy phép (ở Cục hoặc Bộ) là từ 7 đến 10 ngày làm việc, nếu đơn vị không có người đi nộp và nhận hồ sơ trực tiếp mà nộp qua bưu điện thì bạn nên cộng thêm thời gian gửi thư.
Thứ 2 là kiểm tra thời gian tàu chạy: thời gian tàu di chuyển từ cảng bốc hàng đến cảng dỡ hàng có đủ để kịp xin giấy phép hay không ?
Nếu tuyến xa, tàu chạy từ 25 đến 35 ngày thì bạn yên tâm vì giấy phép sẽ có trước khi hàng về, tuy nhiên nếu đi tuyến gần ví dụ như HK, CN hay KR thì tốt nhất bạn nên xin giấy phép trước khi cho hàng lên tàu để hạn chế phát sinh chi phí tại cảng đến do chưa có giấy phép (ví dụ: phí lưu cont tại bãi – DEM, phí lưu bãi – Storage, hoặc phí chạy điện đối với hàng lạnh).
Đối với hàng nhập có giấy phép: doanh nghiệp phải có giấy phép tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan và phải khai đầy đủ thông tin giấy phép trên tờ khai.
Theo dõi tiến độ đóng hàng đầu xuất khẩu
Mặc dù việc đóng hàng là trách nhiệm của bên xuất khẩu, nhưng để tránh những rủi ro không mong muốn làm ảnh hưởng đến quy trình nhập hàng, bạn nên chú ý kiểm tra và nhắc nhỡ khách hàng chuẩn bị hàng và xếp hàng lên tàu đúng thời điểm.
Trước khi đóng hàng : yêu cầu khách hàng chụp hình container rỗng
Mình gặp nhiều trường hợp khi hàng về tới VN, người nhận hàng kéo cont về kho rút hàng, sau đó thì hãng tàu thông báo cont hư, cont dơ và yêu cầu người mua đóng tiền sửa chữa cont, vệ sinh cont, khi đó lại xảy ra tranh chấp và đổ lỗi cho nhau, xuất nói do nhập làm hư và nhập đỗ lỗi cho xuất lấy cont hư và dơ sẵn từ bên kia.
Do đó bạn nên kiểm tra sơ bộ cont rỗng trước thông qua hình ảnh để tránh tranh chấp về sau.
Kiểm tra số cont/seal : khi hàng về tới cảng VN bạn có thể đối chiếu lại so với cont thực tế, số cont/seal trên B/L, nếu có thông tin nào sai lệch thì thông báo cho bên xuất hoặc công ty bảo hiểm để xác nhận trước.
Kiểm tra container rỗng trước khi đóng hàng
Kiểm tra hình ảnh sau khi đóng hàng xong
Sau cùng là đóng hàng xong bạn kiểm tra tình trạng chốt seal, để đảm bảo rằng hàng hóa không bị mất trong suốt quá trình vận chuyển.
Nhận chứng từ và kiểm tra chứng từ
Sau khi hàng được đóng xong, trước khi khách hàng gửi chứng từ chính thức bằng email hoặc gửi chứng từ gốc bằng đường hàng không về, bạn nên yêu cầu gửi email bản nháp để bạn kiểm tra trước, nếu có sai sót thì điều chỉnh, bổ sung lại cho đến khi nào đúng như thỏa thuận trong hợp đồng, lúc đó mới gửi chứng từ chính thức.
Các chứng từ cần kiểm tra (cần thiết để làm thủ tục nhập khẩu cơ bản)
Commercial invoice
Packing list
Bill of lading
Certificate of origin
Các chứng từ đặt thù khác như: Phyto, Health Certificate, C/A, C/O
Tùy trong hợp đồng ngoại thương bạn yêu cầu bộ chứng từ gồm những loại chứng từ nào, số lượng bao nhiêu bản mà bạn kiểm tra cho phù hợp.
Đợi hàng về để làm thủ tục nhận hàng
Đối với hàng nhập để kiểm tra thông tin tàu về bạn có thể kiểm tra bằng các cách sau:
Thứ 1: và đơn giản nhất là bạn nhận được thông báo hàng đến (ARRIVAL NOTICE) từ hãng tàu.
Thứ 2: trong suốt quá trình vận chuyển bạn có thể theo dõi trên trang web của hãng tàu.
Thông thường trên trang web của hãng tàu sẽ có phần tracking, bạn chọn vào để theo dõi hành trình của tàu bằng cách nhập số B/L hoặc số container.
Sau khi hàng về theo lịch trong giấy báo hàng đến, bạn nên kiểm tra lại trên trang web của cảng, sân bay để chắc chắn là đã có hàng trên bãi/trong kho hay chưa để sắp xếp lịch nhận hàng và kế hoạch điều xe cho phù hợp
Đối với hàng container về Cát Lái : bạn xem trên trang https://eport.saigonnewport.com.vn
Bạn có thể xem bài : Lệnh Giao Hàng Điện Tử EDO tại Eport
Đối với hàng lẻ : bạn tra trên trang web http://cfs.saigonnewport.com.vn/find.aspx
Đối với hàng air về kho TCS hoặc SCSC : bạn có thể tra thông tin hàng đã sẵn sàng hay chưa ở trang web của 2 kho này
TCS: https://tcs.com.vn
SCSC : http://scsc.vn
Lưu ý:
Khi nhận giấy báo hàng đến, ngoài kiểm tra thông tin ngày hàng đến, cảng đến, số cont/seal, cũng như số lượng, trọng lượng hàng,….bạn nên kiểm tra các chi phí kèm theo, cụ thể là cước tàu (ocean freight) và các khoản local charge tại cảng đến, xem đã đúng với báo giá ban đầu chưa.
Sau khi xác định đúng như báo giá ban đầu của hãng tàu thì bạn sẽ thực hiện việc chuyển tiền và nhận lệnh giao hàng (D/O – Delivery Order).
Hiện tại có 2 hình thức lệnh giao hàng là lệnh giao hàng bản giấy và lệnh điện tử, tùy từng hãng tàu mà bạn sắp xếp việc lấy lệnh và thực hiện thủ tục lấy hàng cho phù hợp.
Nhận D/O xong, bạn chuyển sang bước làm thủ tục hải quan và lấy hàng.
Làm thủ tục hải quan và nhận hàng
Quy trình giao nhận tại cảng/sân bay
Hàng nhập là hàng nguyên container, hàng lẻ nhập kho CFS hay hàng sân bay thì bạn đều chuẩn bị chứng từ để khai tờ khai hải quan tương tự nhau, đều khai bằng phần mềm khai báo hải quan EUCS và được xử lý phân luồng tự động.
Sau khi tờ khai được phân luồng, tùy theo mức độ xanh – vàng – đỏ mà bạn chuẩn bị chứng từ để đi mở tờ khai khác nhau.
Cụ thể quá trình khai tờ khai và quá trình giao nhận tại cảng/sân bay mời bạn tham khảo bài dưới đây
https://songanhlogs.com/quy-trinh-thu-tuc-hai-quan-xuat-nhap-khau.html
Đóng thuế hàng nhập khẩu
Khác với hàng xuất khẩu, có vài mặt hàng phải đóng thuế xuất khẩu thì bạn cần đóng thuế XK, còn đối với các mặt hàng xuất thông thường thì thủ tục xuất rất đơn giản mà không cần đóng thuế xuất khẩu.
Tuy nhiên đối với hàng nhập (nhập kinh doanh), bạn cần quan tâm đến thuế, phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước thì mới được thông quan.
Trong quá trình khai báo tờ khai bạn cần áp mã HS chuẩn xác cho từng mặt hàng để từ đó sẽ xác định được các khoản thuế phải chịu đối với mặt hàng đó, nếu không có C/O thì thuế NK bao nhiêu %, nếu có C/O thì thuế NK bao nhiêu %, ngoài thuế NK thì còn chịu các khoản thuế nào khác như GTGT hàng NK, thuế BVMT, thuế TTĐB.
Nộp thuế vào ngân sách nhà nước : có 2 cách, bạn có thể nộp thông qua internet banking hoặc điền thông tin vào giấy nộp ngân sách để đến ngân hàng làm thủ tục cắt chuyển.
Bạn tham khảo mẫu giấy nộp tiền tại ngân hàng như sau:
Sau khi nhận hàng
Đối với hàng lẻ hay hàng air thì sau khi nhận hàng xong là bạn hoàn thành thủ tục.
Tuy nhiên đối với hàng container, bạn cần chú ý quá trình trả container rỗng, có thể phát sinh thêm chi phí ở bước này. Cụ thể
Sau khi rút hàng xong, xe sẽ kéo container rỗng đi hạ cont theo quy định trên giấy hạ rỗng.
Nhân viên bãi sẽ kiểm tra tình trạng cont rỗng, nếu không có vấn đề gì thì mới được hạ cont, ngược lại nếu cont hư hỏng hoặc dơ thì không cần biết lỗi do đầu xuất hay lỗi do đầu nhập nhưng chủ hàng phải cược 1 khoản phí (phí sửa chữa cont dự kiến) thì mới được hạ.
Sau đó nhân viên giao nhận sẽ mang phiếu này đến hãng tàu kiểm tra, xác định mức độ hư hỏng để biết được có được miễn phí tiền sửa chữa, vệ sịnh hay không, hay phải trả 1 số tiền nhất định rồi mới được nhận lại tiền cược cont.
Đó cũng là 1 trong những lý do chúng ta nên kiểm tra tình trạng cont rỗng từ đầu xuất trước khi đóng hàng để xác định trách nhiệm chi trả thuộc về ai.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của mình về quy trình nhập khẩu một lô hàng cơ bản đối với loại hình kinh doanh, để hoàn thành tốt 1 lô hàng nhập khẩu bạn nên chú ý lại các vấn đề sau đây:
Hàng nhập khẩu kinh doanh liên quan đến trị giá tính thuế và thuế, tuy nhiên cũng có vài mặt hàng kinh doanh khi nhập về bạn không cần có C/O cũng không cần đóng bất cứ loại thuế nào, nhưng số nhiều thì phải đóng thuế.
Để xác định đúng trị giá tính thuế bạn lưu ý phải tra HS chuẩn, hàng kinh doanh cũng bị kiểm tra sau thông quan, nếu áp thuế không chuẩn thì hoàn toàn có khả năng bị áp lại HS và truy thu thêm thuế.
Lưu hồ sơ sau thông quan: sau khi hoàn tất thủ tục bạn nên lưu trữ các loại chứng từ liên quan đến lô hàng cẩn thận ít nhất là 5 năm để có thể xuất trình nếu kiểm tra sau thông quan.
Mình hy vọng sau bài viết này các bạn có thể nắm bắt được quy trình và tự tin hoàn thành việc nhận 1 lô hàng nhập khẩu, cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết ./.
Trang viết
Em chào Admin
Xin cho em hỏi công ty em đang có lô hàng dây thép nhập khẩu từ trung quốc về việt nam em muốn đi đường biển nhưng công ty em chưa nhập khẩu bao giò em không biết gì hết vì thế em muốn được tư vấn a
Em xin chân thành cảm ơn
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Nếu chưa từng làm bao giờ bạn nên liên hệ các đơn vị dịch vụ hoặc đại lý hải quan để họ hỗ trợ nhé bạn !
vi viết
Chào admin, cho minh hỏi mình mới mở một nhà máy sản xuất hồ tiêu tại Đak Lak và muốn xuất khẩu qua Ấn Độ thì mình nêu vận chuyển thẳng đến cảng Cát Lai, hay mình chuyển tới kho thuê tại quận 2 rồi chuyển đến Cát Lai sau. Mong được bạn hỗ trợ giải đáp!
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Cái này tùy thuộc vào việc lưu trữ hàng hóa của bên mình nhé bạn, nếu hàng ở Đaklak thì bạn đóng ở Đaklak rồi chở thẳng ra cảng xuất hàng luôn, hoặc nếu hàng đã có sẵn ở kho thuê ở Q2 rồi thì bạn đóng ở Q2 rồi chuyển ra cảng, hoặc không có kho nào đủ hàng thì đóng mỗi nơi 1 ít khi nào đủ hàng xuất thì xuất bạn nhé
Kien viết
Xin cho hỏi ngày để hạch toán hàng nhập khẩu là ngày nào. Có phải lấy ngày qua khu vực giám sát trên hệ thống hải quan không ạ. Vì ngày hàng đến trên tờ khai hải quan cũng là ngày trên thông báo hàng đến nhưng chỉ là ngày dự kiến. Rất mong nhận được sự giúp đỡ. Xin cảm ơn!
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Mình chưa hiểu câu hỏi của bạn, ý bạn muốn hỏi ngày hạch toán hàng nhập khẩu này để làm gì, dùng để làm phiếu nhập kho hàng nhập hay ngày bạn muốn xuất hóa đơn bán hàng ra nội địa, hay như thế nào bạn nói rõ hơn để mình tư vấn nha
chí phèo viết
xin chào! hiện tại mình có lô hàng bột mì và nguyên liệu chế biến ở hàn quốc.muốn gửi về vn.mình là người mới nên chưa biết gì.mình xin hỏi là giá cả tính ra bao nhiêu /kg hay /1 tấn vậy? với thuế và các thủ tục như nào vậy?rất mong dc hồi đáp
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Đối với sản phẩm bột mì, bạn muốn mua theo kg hay theo tấn là tùy bạn và người bán thỏa thuận với nhau nhé. Để nhập khẩu bột mì bạn có thể tham khảo mã HS 1101 thuế NK 15%, VAT 10%, trước khi nhập khẩu cần gửi mẫu về để làm tự công bố trước, sau đó khi nhập khẩu thì ngoài thủ tục hải quan như thông thường bạn cần thực hiện kiểm tra ATTP, sau khi có chứng thư kiểm tra ATTP thì mới được giải quyết thông quan bạn nhé.
Thông tin đến bạn !
DatKevin viết
Chào Song Ánh
Mình đang muốn nhập vật tư ô tô Huyndai từ Hàn quốc về việt nam thì cần những thủ tục gì ạ
Xin cảm ơn !
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Theo mình biết, đối với phụ tùng hay các mặt hàng đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thì trước tiên bạn phải được hãng ủy quyền cho nhập, sau đó thì tùy bạn nhập loại hàng nào mà có quản lý chuyên ngành riêng của mặt hàng đó.
Ton viết
Dạ chào a. A cho e hỏi hiện tại e muốn nhập bợt sơn tĩnh điện từ hàn quốc về. Thì bên Việt Nam! Cần những giấy tờ gì để mang lên cục khai báo. Và cần những giấy tờ gì từ cty bạn.
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Bạn cần chuẩn bị invoice, Packing list, Bill of Lading và C/O (nếu có) để khai báo Hải quan bạn nhé , sau khi khai tờ khai thì bạn chỉ cần đính kèm chứng từ dạng điện tử lên hệ thống Hải quan thông qua phần mềm khai báo thôi không nhất thiết cầm hồ sơ giấy bạn nhé.
Trừ khi hàng có giấy phép NK, giấy phép kiểm tra chuyên ngành hoặc C/O bản giấy thì mới cần nộp bản gốc cho Hải quan thôi bạn.
Binh viết
Chào Quý Công Ty
Mình có nhu cầu nhập : Hạt Dẻ Cười + Date syrup + Saffron + Fig từ nước Iran , mình muốn hỏi thủ tục cần thiết và phí dịch vụ như thế nào ?
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Bạn nói rõ hơn các sp mình định nhập ở dạng như thế nào nha, đã chế biến hay chưa chế biến, mình sẽ tư vấn chi tiết hơn
– Ví dụ: hạt dẻ cười, thì đây là mặt hàng cần kiểm dịch thực vật và ATTP , do đó trước khi nhập về bạn cần làm thủ tục Tự công bố ATTP hoặc Công bố ATTP trước, khi nhập về thì làm kiểm dịch TV và ATTP, ngoài hồ sơ NK thông thường bạn cần y/c thêm PHYTO bản gốc để làm KDTV. Sau khi có chứng thư KDTV & ATTP thì mới được giải quyết thông quan.
– Hoặc Saffron là loại như thế nào, ví dụ Saffron dạng trà pha uống liền được coi là thực phẩm, do đó bạn cũng cần làm thủ tục Tự công bố hoặc Công bố ATTP trước, khi nhập khẩu về thì làm thủ tục kiểm tra ATTP tương tự hạt dẻ cười.
Nhi viết
Cho em hỏi trường hợp như vầy, thì phải làm sao ạ.
Công ty A theo điều khoản CFR,thư tín dụng không thể hủy ngang cho container vận chuyển xuất khẩu hàng may mặc là 350 thàng, với điều kiện vận chuyển là CY/CY. Sau khi vận chuyển, công ty A khẳng định ” Vân đơn sạch”, trên vận đơn ghi ” Shippers load and count”. Trong thời gian thư tín dụng có hiệu lực, công ty A đã kịp y thời sử lý các thủ tục thương lượng. 20 ngày sau, công ty B, qua bên tàu, hải quan, công ty bảo hiểm đối với hàng hóa này mở ra kiểm tra, phát hiện trong đó có 20 thùng hàng, bị thiệt hại nghiêm trọng, mỗi kiện thiếu hàng, tổng cộng thiếu 512 bộ. Tất cả các quan chức đã chứng nhận rằng hình thức bên ngoài của container là nguyên vẹn. Do đó, công ty B đòi bồi thường thiệt hại về hàng hóa đối với công ty A và đòi phụ trách toàn bộ chi phí kiểm tra là 2500 đô la. Hỏi yêu cầu cty B hợp lý ko?vì sao?
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Shipper’s load, count and seal: nghĩa là người gửi hàng tự xếp hàng, kiểm đếm và bấm seal. Khi container còn nguyên và seal còn nguyên tức là hàng không bị mất mà do khách hàng đóng thiếu hàng, trường hợp này thì y/c người bán bồi thường là hợp lý nhé bạn.
VŨ THẾ HÀ viết
cho e hỏi
khi mình nhập nhựa pp v à pe về vn
thì chí phí xuất cảng gồm những loại nào, và hết bao nhiêu chi phí phát sinh
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Để có thể dự tính được các chi phí phát sinh bạn cung cấp thêm thông tin giúp mình nhé, ví dụ: bạn nhập hàng container hay hàng lẻ, nhập bao nhiêu cont / bao nhiêu khối hàng, nhập từ cảng nào về cảng nào,…
Bin viết
chào bạn!
Nhập khẩu thủy sản đông lạnh bao gồm các loại chứng từ thế nào thì mình nhận được hàng. Tổng cộng là mình cần bao nhiêu giấy tờ các loại ạk.
Xin cảm ơn!
Phương Anh viết
Chào bạn,
Hiện bên mình có 1 lô hàng đã về được gần 2 tháng nhưng khách chưa làm thông quan xong để lấy hàng. Vậy mình muốn biết là có quy định nào về việc container được nằm tại bãi tối đa là bao lâu, các hình thức xử phạt nếu như chủ hàng không nhận hàng.
Cảm ơn bạn!
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
– Đối với hàng hóa nhập khẩu, việc nộp tờ khai hải quan được thực hiện trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu.
– Theo khoản 3 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP : phạt 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không khai, nộp, xuất trình, cung cấp thông tin hồ sơ hải quan đúng thời hạn quy định.
Thông tin đến bạn !
Lam viết
Quý công ty cho mình hỏi, mình cần nhập khẩu 2 mặt hàng khô từ 2 công ty khác nhau ở cùng 1 quốc gia. Vậy làm cách nào để chuyển hàng về nước trên cùng 1 container để tiết kiệm chi phí không?
Hỗ Trợ 02 Song Ánh Logs viết
chào bạn,
tên 2 cty bạn cần combine cont cho tiết kiệm chi phí là Cty A và Cty B:
1. Cty A sẽ chuyển hàng tới Cty B hoặc ngược lại, để hoàn tất thủ tục và combine cont cũng như số lượng mọi thứ
2. Cty A load hàng xong, cont sẽ chạy tới cty B load tiếp hàng (Dk xe cont đồng ý và tính phí 2 nơi,) sau đó quy số lượng mọi thứ về 1 cty nhất định để thông quan cũng như hoàn tất các thủ tục còn lại trước khi export.
Bạn nên nhớ, dù combine cont bằng cách nào đi nữa thì sự chính xác cũng cần tuyệt đối vì còn hồ sơ hải quan mọi thứ phải trùng khớp bạn nhé, (quan trọng là cả 2 mặt hàng đó được quyền export và có đăng ký giấy phép rồi bạn nha).
nếu cần gì thêm bạn có thể hỏi thêm nha, mình sẽ hỗ trợ bạn sớm.
Yến viết
Ưu nhược điểm của vận tải đa phương thức đường sắt-hàng không là gì ạ? Mình chưa thấy 2 hình thức này kết hợp với nhau. Giúp mình trả lời với ạ
yến viết
Công ty A kí hợp đồng nhập khẩu một lô hàng với nhà xuất khẩu B theo điều kiện FOB về cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh). Công ty A đang rất cần lô hàng này để phục vụ sản xuất. Công ty A đã thuê dịch vụ giao nhận vận chuyển của công ty X.
a. Dưới góc nhìn công ty X, bạn hãy trình bày quy trình nhận hàng theo điều kiện FOB của hợp đồng.
b. Công ty X đã liên lạc đại lý của mình tại nước xuất khẩu là công ty C để xử lý lô hàng này. Trong lịch trình của hãng tàu, Container hàng được tàu dỡ xuống ở cảng Thị Vải – Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu) sau đó được vận chuyển bằng xà lan về cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) để giao cho người nhận hàng Công ty X nhận được tin của hãng tàu rằng hàng đã về cảng Thị Vải – Cái Mép nhưng cảng Cát Lái đang tắc nghẽn nên rất khó xác định chính xác thời gian xà lan có thể cập cảng và đưa container lên bãi container hàng nhập. Theo bạn, người giao nhận có những phương án giải quyết tình huống này như thế nào? Hãy lập luận để làm rõ. giúp em trả lời 2 ý này với ạ. em cảm ơn
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
a. Cty X là cty dịch vụ, do đó cần y/c A cung cấp bộ chứng từ để làm thủ tục hải quan, X kiểm tra chứng từ + khai tờ khai + mở tờ khai. Về D/O: A chuyển khoản phí O/F và local charge cho hãng tàu để nhận EDO, sau đó chuyển cho X làm thủ tục lấy cont tại cảng, kéo hàng về kho của A để giao nguyên container cho A. Sau đó thu phí dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ.
b. Nếu Cát Lái tắc nghẽn không thể xác định được thời gian sà lan về được thì thông thường hãng tàu sẽ hỗ trợ DN chuyển đổi nơi nhận hàng, sẽ nhận hàng tại Cái Mép thay vì Cát Lái như ban đầu. X hỏi ý kiến của A, muốn lấy hàng nhanh hay đợi, nếu A muốn đợi thì đợi khi nào cont về thì làm, A không đợi được thì X sẽ giúp A liên hệ hãng tàu hỗ trợ thay đổi nơi nhận hàng (nếu miễn phí thì tốt, tốn phí thì A chịu). Nếu chuyển thành nơi nhận hàng Cái Mép thì 2 bên thỏa thuận lại phí dịch vụ, X sẽ ra Cái Mép làm thủ tục nhận hàng. Các bước thì tương tự như ở phần a
Lại Thị Nhịi viết
cho em hỏi là điều kiện để lô hàng nhập khẩu là gì?
Em cảm ơn ạ
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Mặt hàng đó không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập là được bạn nhé
Khang viết
Em muốn hỏi
Chì do hãng tàu cung cấp cần phải có những yếu tố nào
Hỗ Trợ 02 Song Ánh Logs viết
chào bạn,
Seal niêm phong từ hãng tàu phải đạt chuẩn ISO PASS 17712, đáp ứng các quy định về an ninh C-TPAT: Kiểm tra Seal xem chắc chưa, độ an toàn tuyệt đối chưa
, Xoáy, bẻ Seal xem có lỏng không, Xác nhận chính xác số Seal, số seal phải rõ ràng, Seal không móp méo, …
Đào Lâm viết
E là người mới, sắp tới cty e có nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc về, rất mong anh/chị giúp e quy trình nhập khẩu bao gồm những công việc gì v ạ, e cảm ơn nhiều ạ!
Hỗ Trợ 02 Song Ánh Logs viết
Chào bạn,
Trước tiên bạn cần nhận được bộ chứng từ của shipper như invoice,Packing list,Sale contact,Bill và các tài liệu lien quan khác tới lo hàng nếu cần.
Xem eta này mấy,bạn lien hệ hãng tàu xin Thoòng báo hàng đến cùng cước phí.
Xác định Hs code lô hàng, đầy đủ Thông tin là bạn có thể mở tknk trên vnaccs OK rồi nha.
Phạm Son viết
Chào Admin,
Mình có xuất hàng đi qua nước thứ 3, trên LC gốc là số A nhưng bên nhận muốn amend LC một vài thông tin trong đó phần quan trọng là trên bản amend họ muốn shipper thể hiện thêm một số Invoice khác và số LC khác trên CO là số B. Việc này có thể làm được không??
Hỗ Trợ 02 Song Ánh Logs viết
Bạn ơi, mình hỏi lại nha,ý bạn là nội dung trong C/O hay là amend nội dung trong L/C ? Bạn ghi rõ giúp mình nha.
Mai viết
Dạ xin chào admin, em là kế toán mới ra trường, em chưa có nhiều kinh nghiệm, em gặp vấn đề là khi nhập khẩu thì theo thùng, nhưng khi xuất bán thì theo chai, nên em không hạch toán được, admin giúp em với được không ạ, em cảm ơn
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Bạn làm bảng quy đổi 1 thùng bằng bao nhiêu chai để theo dõi và hạch toán bạn nhé
Thúy Diễm viết
Phí xin giấy phép nhập khẩu được tính như thế nào và đóng phí đó cho cơ quan nào ạ? Cám ơn Song Ánh.
Thúy Diễm viết
Phí xin giấy phép nhập khẩu là bao nhiêu và nộp phí cho cơ quan nào ạ? Cám ơn Song Ánh!
Hỗ Trợ 02 Song Ánh Logs viết
Chào E,
E nói rõ hơn về mặt hàng chuẩn bị nhập khẩu và xin giấy phép nha, Song anh sẽ hướng dẫn e cụ thể hơn nha.
Thúy Diễm viết
Dạ, em muốn tìm hiểu vấn đề xin giấy phép nhập khẩu của hàng thiết bị y tế ( máy siêu âm), nhập về cảng Đà Nẵng ạ. Mong được Song Ánh giải đáp.
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Để xin giấy phép NK máy siêu âm bạn tham khảo quy định trong TT số 30/2015/TT-BYT của bộ Y Tế.
– Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế : bạn xem ở điều số 6 TT số 30/2015/TT-BYT
– Hồ sơ nộp về : Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế – Bộ Y Tế. Sau khi nộp hồ sơ bạn sẽ được cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
– Thời gian:
Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Bộ Y tế xem xét về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép nhập khẩu. Nếu hợp lệ thì sẽ được cấp giấy phép trong 10 ngày làm việc, nếu chưa hợp lệ sẽ y/c bổ sung hồ sơ.
Thúy Diễm viết
Cám ơn câu trả lời của Song Ánh. Cho em hỏi phí xin giấy phép nhập khẩu được tính như thế nào ạ?
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Bạn liên hệ trực tiếp Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế – Bộ Y Tế để biết rõ hơn về phí và lệ phí phải thu nha.
Nguyễn Thị Lan Anh viết
Em muốn hỏi nguồn, cơ quan ban hành, nghị định thông tư nào ban hành quy trình nhập khẩu bằng đường biển ạ? Em mong nhận được sự giúp đỡ giải đáp cho em với ạ. Em xin cảm ơn
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Thông tư, nghị định chỉ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan, thuế XNK….để làm thủ tục hải quan thì doanh nghiệp dựa vào quy định trong thông tư, nghị định mà làm.
Còn quy trình nhập khẩu chỉ là những chia sẻ từng bước để bạn thực hiện thủ tục theo quy định đó bạn.
Nếu bạn muốn tham khảo các quy định về thủ tục hải quan bạn có thể tham khảo các văn bản sau đây: TT 39/2018/TT-BTC, NĐ 59/2018/NĐ-CP, NĐ 134/2016/NĐ-CP, NĐ 15/2018/NĐ-CP……..
TRẦN THỊ CẨM TÚ viết
Cảm ơn bài viết hữu ích của Admin.
Vui lòng cho mình hỏi công ty mình nhập hạt điều về, Nhưng Buyer lại yêu cầu trên HBL phải có tên shipper trùng với C/O nếu không sẽ bị charge phí nhập khảu là 5%, Vui lòng cho mình lời khuyên vì hầu như các Buyer khác vẫn làm thủ tục HQ bình thường nhưng chỉ có khách hàng này là yêu cầu thay đổi Shipper trên HBL y như MBL, điều này có đúng và cần thiết?Nếu thay đổi thì được miễn thuế NK là 5%?
Mong …
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Mình cũng không rõ vì sao khách của bạn lại y/c như vậy nhưng theo mình hiểu về thủ tục hải quan thì như thế này nhé, Việc thuế bao nhiêu % là tùy thuộc mặt hàng và lô hàng đó có C/O hợp lệ hay không, ví dụ 1 lô hàng không có C/O thì thuế NK 5%, nếu có C/O hợp lệ thì được hưởng 0%.
Việc C/O có hợp lệ hay không thì phải kiểm tra toàn bộ chứng từ và quy trình mua bán các bên như thế nào chứ không chỉ dựa vào shipper trên B/L phải trùng với trên C/O. Vì ô số 1 trên C/O là exporter còn ô số 1 trên B/L là shipper, shipper và exporter có thể trùng cũng có thể không trùng vẫn được bạn nhé.
Duy Linh viết
Chào bạn!
Mình đang là nhân viên IT tại cảng.
Mình đang muốn tìm hiểu về kinh doanh xuất nhập khẩu, vận chuyển container hay những vấn đề liên quan đến cảng
Mong được bạn hỗ trợ giải đáp
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Bạn muốn bên mình hỗ trợ vấn đề gì thì có thể để lại câu hỏi trực tiếp trên đây nhé bạn hoặc bạn có thể tìm hiểu và tham gia các khóa học ngắn hạn đào tạo về nghiệp vụ XNK để học hỏi thêm nhé !