To Order Bill Of Lading được gọi là vận đơn theo lệnh có nghĩa là hàng hóa trong vận đơn chỉ được giao cho người nhận hàng khi có lệnh bằng cách ký hậu của người gởi hàng (shipper) hoặc lệnh của một đơn vị nào đó (có thể là consignee hoặc bank) có thẩm quyền ra lệnh cho phép nhận hàng. To Order – lệnh được xác nhận bằng cách ký hậu và đóng mộc vào mặt sau hoặc mặt trước của vận đơn.
Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao cần vận đơn To Order, cách sử dụng, các cách ký hậu vận đơn theo lệnh. Vận đơn này được sử dụng rất thường xuyên khi mua bán qua tay hoặc thanh toán L/C.
Vì sao lại dùng vận đơn To Order
Trong bài viết trước mình có nhắc đến mua bán 3 bên và sử dụng switch bill. Việc dùng switch bill nói chung là phức tạp hơn rất nhiều so với dùng To Order. Nhưng có trường hợp vận đơn To Order nên dùng, có trường hợp vận đơn To Order không thể đáp ứng nhu cầu mà người ta phải sử dụng switch bill.
Mình sẽ giải thích vì sao lại ra đời loại vận đơn To Order này. Quay lại bản chất vấn đề vận đơn là gì? vận đơn là linh hồn của hàng hóa, vận đơn có chức năng quan trọng nhất là sở hữu và chuyển nhượng được. Vì tính chuyển nhượng được của vận đơn (chỉ trong vận chuyển đường biển) mà mới ra đời loại vận đơn To Order.
To Order Bill Of Lading giúp cho việc chuyển đổi quyền sở hữu, chuyển nhượng lô hàng bằng cách ra lệnh thông qua ký hậu vận đơn. Vì vận đơn chuyển nhượng được cho nên vận đơn theo lệnh phải là vận đơn gốc, có thể là vận đơn đích danh hoặc vô danh phụ thuộc vào cách ký hậu.
Các loại vận đơn theo lệnh To Order thông dụng
Chúng ta thường thấy nhất là 3 loại vận đơn theo lệnh To Order thường dùng: To order of shipper (vận đơn theo lệnh của người gởi hàng), To Order of consignee ( vận đơn theo lệnh của người nhận hàng), To order of a issuing bank (vận đơn theo lệnh của Ngân hàng Mở L/C).
Vận đơn theo lệnh của người gởi hàng (To order of shipper).
Case Study 1: Công ty A (Việt Nam) bán hàng sang Trung Quốc cho công ty B. A và B thanh toán TT, nhờ thu trơn ngân hàng không yêu cầu giữ bộ chứng từ. Do đó, nếu lô hàng thành công, A sẽ gởi trực tiếp vận đơn gốc cho B. Tuy nhiên, A có nhiều khách hàng tại Trung Quốc không riêng gì B. A muốn lợi thế cho mình trong kinh doanh, A cho phép B thỏa thuận thanh toán TT khi hàng đã lên tàu có vận đơn mới thanh toán. Lúc này A dùng vận đơn theo lệnh của mình là người gởi hàng. Vì một lý do nào đó, hàng đã lên tàu mà B không thanh toán, hợp đồng bị hủy. Lúc này, A có quyền bán hàng cho C là công ty khác tại Trung Quốc.
Trong trường hợp này, để thuận lợi nhất cho người gởi hàng có thể chuyển nhượng cho bất kỳ ai thì dùng vận đơn theo lệnh của người gởi hàng (To order of shipper) có nhiều ưu điểm. Vận đơn theo lệnh người gởi hàng ( To order of shipper) có nghĩa là hàng chỉ được giải phóng khi người gởi hàng shipper ký hậu ra lệnh cho người nhận hàng vào mặt sau của vận đơn.
Đặc điểm của loại vận đơn này là tại mục Consignee trên vận đơn để “To Order Of Shipper” hoặc chỉ để mỗi “To Order”.
Cách ký hậu vận đơn mình sẽ trình bày bên dưới.
Vận đơn theo lệnh của người nhận hàng (To order of Consignee ).
Nghe có vẻ hơi lạ, nhưng đây cũng là loại vận đơn theo lệnh khá phổ biến.
Case Study 2: Công ty A (Việt Nam) bán hàng sang Trung Quốc cho công ty B. Nhưng công ty B lại bán sang tay cho 1 công ty C ở Trung Quốc. Để tiết kiệm chi phí và thuận tiện thì khi hàng đến, C chuyển tiền cho B. C lấy D/O và ra cảng làm thủ tục nhập khẩu và nhận hàng. Nghiệp vụ này được thực hiện đơn giản bằng cách B (consignee) ký hậu vận đơn cho C nhận hàng. Vì vận đơn có tính chuyển nhượng nên lúc này giống như B bán vận đơn cho C thì C sẽ hiển nhiên trở thành chủ sở hữu của hàng. Bộ chứng từ không cần thay đổi gì, C hoàn toàn hợp lệ để lấy hàng.
Tại ô Consignee của vận đơn này cần ghi rõ: To Order Of + [ Tên công ty B, Địa chỉ, số điện thoại, fax của B]
Vận đơn theo lệnh của ngân hàng phát hành LC ( To order of issuing bank)
Case Study 3: Công ty A tại Việt Nam bán hàng sang cho B tại Trung Quốc, thanh toán theo hình thức L/C. Ngân hàng HSBC tại Trung Quốc là ngân hàng Mở LC. Ngân hàng Vietcombank tại quận 1 TP. HCM là ngân hàng nhận thông báo. Để đảm bảo an toàn cho ngân hàng Mở LC, HSBC muốn giành quyền sở hữu lô hàng thì họ yêu cầu vận đơn To Order Of Bank. Có nghĩa là khi có lệnh của ngân hàng (thường sau khi thanh toán xong) thì khách Trung Quốc mới được quyền nhận hàng.
Trong mục consignee của vận đơn theo lệnh của ngân hàng phát hành LC cần ghi rõ: To order of + [ Tên ngân hàng phát hành LC]
Các loại ký hậu vận đơn
Sau khi đã có vận đơn theo lệnh To Order. Việc quan trọng cuối cùng để chuyển giao quyền sở hữu là ký hậu. Ký hậu là cách dùng chữ ký người có thẩm quyền và mộc của công ty đóng vào mặt sau của bill để xác nhận rằng tôi “ra lệnh” cho người có tên trong vị trí ký hậu được nhận hàng.
Có 3 loại ký hậu thường dùng: Ký hậu đích danh, ký hậu theo lệnh và ký hậu cho chính mình. Việc phân ra loại ký hậu mục đích để xác nhận rằng ai là người nhận hàng cuối cùng.
Ký hậu đích danh
Ký hậu đích danh là ký hậu ra lệnh cho người cuối cùng nhận hàng. Khi ký hậu để chữ “Deliver to C” tức là C là người hưởng lợi cuối cùng và C không thể ký hậu hay chuyển nhượng lô hàng cho một bên khác. Lúc này vận đơn vô danh đã trở thành vận đơn đích danh.
Ký hậu theo lệnh
Ký hậu theo lệnh là cách ký hậu mà người ký hậu lại ký hậu cho một người ký hậu nữa. Trong trường hợp này ghi chú vào chỗ ký hậu “Deliver to order of C”, có nghĩa là C có quyền ký hậu cho một người nữa để nhận hàng. Nếu C không ký hậu cho bên nào nữa thì C có quyền nhận D/O để lấy hàng.
Ký hậu cho chính mình
Ky hậu cho chính mình là người ký hậu ký mà không ghi gì cả. Hoặc có thể ký hậu và ghi chú dòng chữ “Deliver to myself” tuy nhiên thực tế ít ai ghi chú trong trường hợp này, chủ yếu ký hậu bỏ trống. Loại ký hậu này sẽ gặp rủi ro nếu trong trường hợp mất vận đơn.
Trách nhiệm trong ký hậu vận đơn
Khi nhắc tới trách nhiệm trong mua bán quốc tế chúng ta thường nghĩ tới Incoterms. Tuy nhiên trong trường hợp này, trách nhiệm và nghĩa vụ ký hậu trên vận đơn lại phân chia bằng cách ký và ghi rõ trách nhiệm cho việc ký này. Mà người ta có 2 cách để ghi chú trách nhiệm khi ký là : kỹ hậu có truy đòi và ký hậu miễn truy đòi.
Ký hậu miễn truy đòi
Trong trường hợp vận đơn To Order mà người có thẩm quyền ký hậu không muốn liên đới trách nhiệm thì 2 bên thỏa thuận ghi chú. Nếu người có thẩm quyền ghi chú “Without recourse endorsement” có nghĩa là họ không chịu trách nhiệm truy cứu trách nhiệm gì nữa cho lô hàng của mình sau khi vận đơn đã được ký.
Ký hậu truy đòi
Ngược lại với ký hậu miễn truy đòi. Khi các bên mua bán muốn an toàn và ràng buộc nhau đến trách nhiệm cuối cùng, các bên cần phải thỏa thuận và ghi chú “With recourse endorsement”. Có nghĩa rằng, người có thẩm quyền ký hậu cho một bên khác nhận hàng thì người ký hậu vẫn có trách nhiệm liên đới trong đó.
Một số chú ý khi ký hậu vận đơn
Trong trường hợp ký hậu có sự tham gia của ngân hàng. Các bạn khi lấy hàng cần chú ý bổ sung thêm:
– Chữ ký của chủ hàng và ký hậu vào mặt sau của vận đơn.
– Ngân hàng chỉ ký hậu 1 trong 3 tờ vận đơn gốc. Do đó khi đi nhận hàng bạn cần phải xuất trình tờ vận đơn có chữ ký của ngân hàng.
Mất vận đơn To Order
Trong trường hợp mất vận đơn To Order thì chúng ta phải làm gì? Vận đơn To Order phải là vận đơn gốc, do đó một điều cấm kỵ là bạn làm mất vận đơn gốc. Mặc dù là vận đơn vô danh hay vận đơn đích danh. Trong trường hợp mất vận đơn gốc bạn phải làm việc và thủ tục rất phiền hà để có thể lấy hàng.
Kết Luận
Vận đơn theo lệnh được sử dụng rất phổ biến trong mua bán thương mại quốc tế, đặc biệt là trường hợp mua bán qua tay, trong thanh toán LC có sự tham gia của ngân hàng. Vận đơn theo lệnh To Order là một vận đơn gốc, có thể là đích danh hoặc vô danh tùy thuộc vào cách ký hậu.
Có 3 cách ký hậu: ký hậu đích danh, ký hậu theo lệnh và ký hậu cho chính mình. Trách nhiệm ký hậu bạn có thể ghi chú miễn truy đòi “Without recourse endorsement” hoặc ký hậu truy đòi “With recourse endorsement”.
Trong một số trường hợp khác để thuận tiện trong việc giải phóng hàng, người ta có thể dùng surrendered bill hoặc seaway bill. Hai loại bill này không phải là bill gốc do đó sẽ thuận tiện hơn và nhanh hơn. Nhưng bạn phải chú ý để đảm bảo an toàn sử dụng loại vận đơn này nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!
Chúc bạn thành công và luôn hạnh phúc trong cuộc sống.
Cancer viết
Chào Song Ánh. Bài viết của bạn rất hay và hữu ích. Cho mình hỏi, tại sao ngân hàng lại chỉ ký hậu 1 trong 3 bản gốc vận đơn? Có quy định nào quy định điều này không? Nếu ngân hàng ký hậu lên cả 3 vận đơn gốc (ký hậu giống hệt nhau) thì có rủi ro gì không?
Hỗ Trợ 02 Song Ánh Logs viết
Chào bạn,
Bill gốc ký hậu là dùng để nhận hàng từ hãng tàu được ký bởi ngân hàng chỉ định, sỡ dĩ ký hậu trước 1 Bill là do consignee muốn có bill này để đi nhận hàng tại cảng trước (vì nếu chờ 2 Bill còn lại từ shipper gửi về bank tại nước consignee thì lâu quá), và 2 bill gốc còn lại thì khi nào Bank tại nước mua nhận được sẽ cũng phải ký hậu giống như Bill đầu tiên thì mới hợp lệ.
vì vậy: theo thông lệ quốc tế thì 3 bill gốc sẽ đều được ký hậu hết bởi ngân hàng bạn nhé!
Duy viết
Ad cho em hỏi,Bill To order nhưng shipper lại quên ký hậu thì có cách nào giải quyết không ạ,chứng từ đã được gửi qa consignee
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Tại ô cnee ghi “To order” thì đây hiểu là vận đơn theo lệnh shipper nên phải có ký hậu shipper mới lấy được lệnh giao hàng nhé bạn.
Nguyễn Trâm viết
Em chào anh,
Hiện em đang có 1 case to order cnee. Giống như vd trên bài viết của anh. Tuy nhiên lúc này B không bán hàng cho C nữa và trên bill phần Notify cũng không thể hiện thông tin của C.
Vậy B chỉ cần cầm bill ORG và GGT của B là lấy đc D/O rồi đúng không ạ? hay trên bill B phải ký hậu thể hiện người thụ hướng lô hàng là B thì mới hợp lý ạ.
Em cám ơn.
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Vận đơn theo lệnh người nhận hàng là B, khi B muốn tự mình nhận hàng thì có 2 cách bạn nhé:
1. Ký đóng dấu vào mặt sau vận đơn và ghi là “Deliver to myself”, cái này là ký hậu đích danh
2. Ký đóng dấu vào mặt sau vận đơn và không ghi gì cả, cái này là ký hậu vô danh, lúc này thì B hay bất kỳ ai cầm vận đơn này đều lấy hàng được. Tuy nhiên cách này rất nguy hiểm trong trường hợp làm mất vận đơn, nên hạn chế dùng.
Diệu Ngân viết
Cho e hỏi.
Công ty A (Xuất khẩu) và công ty B (nhập khẩu) ký hợp đồng theo term FOB. Thanh toán TT.
A đề xuất phương án giao hàng nhưng chưa cho B quyền nhận hàng bằng cách sử dụng vận đơn theo lệnh của Shipper.
Vậy trong trường hợp tàu đã đến cảng của B mà B không muốn nhận hàng hoặc không thanh toán thì công ty xuất khẩu A có được phép kéo cont về hoặc bán cho bên C khác mà KHÔNG CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CÔNG TY NHẬP KHẨU B không ạ?
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Vận đơn theo lệnh là vận đơn chuyển nhượng được, do đó bên A có thể bán lại lô hàng cho bên C bằng cách ký hậu vận đơn.
Còn việc cần sự đồng ý của B hay không thì cần xét lại những thỏa thuận trong hợp đồng nhé bạn, ví dụ 2 bên hủy hợp đồng thì A bán cho người khác, tuy nhiên nếu B không muốn nhận hàng là do A giao hàng quá trễ hoặc quá sớm so với hợp đồng, B đòi bòi thường như hợp đồng đã ký thì mới chịu nhận hàng chẳng hạn, khi đó A lại ký hậu bán lô hàng cho người khác là không được bạn nhé.
Thanh châu viết
1:Số bản vận đơn B/L phải lập trong xuất nhập khẩu do ai quyết định.
2:vận đơn nào không được ngân hàng thanh toán
Cảm ơn add ạ
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Số bản vận đơn hay nội dung vận đơn là được lập theo quy định của luật và các công ước quốc tế bạn nhé, còn vận đơn không được ngân hàng thanh toán là vận đơn không hợp lệ.
Vận đơn hợp lệ hay không hợp lệ được kiểm tra theo tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế (ISBP) ví dụ như kiểm tra về hình thức, về số bản gốc phát hành, về nội dung vận đơn so với bộ chứng từ……..
Thanh viết
Cho em hỏi : Tại sao phải gửi gửi bill nháp (Draft House Airway Bill) cho khách hàng trước khi MAWB do hãng hàng không phát hành? Liệu việc gửi bill nháp có thực sự cần thiết không ạ tại sao?
Hỗ Trợ 02 Song Ánh Logs viết
chào bạn,
Bill draft hay bất cứ chứng từ gì trong xnk nếu là draft, không phải nó sai mà nó là sự recheck lại từ shipper, từ customer, từ hãng tàu , từ bất cứ đâu, họ sẽ kiểm tra trước tất cả thông tin để issue original.
vì khi MBL đã được phát hành, nếu sai đồng nghĩa là gặp khó khăn. vì vậy Draft lúc nào cũng được ưu tiên gửi trước bạn nha.
p viết
Em chào anh,
Em gặp phải 1 case như thế này:
Công ty A (Việt Nam) và công ty B (Việt Nam) ký hợp đồng theo term CIF. Công ty A mua hàng của công ty C ở nước ngoài để bán lại cho bên B. Hợp đồng giữa A và C theo term CIF, thanh toán LC. Tuy nhiên công ty A muốn để cho công ty B đứng ra tiến hành nhập khẩu, để B sẽ là đơn vị nhập khẩu.
Vậy công ty B có được đứng ra nhập khẩu hay không? Công ty A cần làm các thủ tục gì ạ?
Em cảm ơn anh.
Hỗ Trợ 02 Song Ánh Logs viết
Chào bạn,
Công ty A sẽ làm thêm phụ lục hợp đồng, thể hiện nội dung Cty B là nơi nhận hàng
Công ty A sẽ vẫn thể hiện là buyer, nhưng chỉ định Consignee là Cty B ( Cty C vẫn là Seller), tất cả thể hiện trên tờ khai nhập khẩu là được.
Chu Vân viết
Em chào anh, Cho em hỏi trường hợp BL để cnee là một ngân hàng nước ngoài, notify là công ty A cũng ở nước ngoài. Dự kiến ngân hàng sẽ ký hậu cho công ty B ở Việt Nam. Vậy:
– công ty B có thể lấy hàng bằng vận đơn ký hậu này không?
– file e-manifest phải thể hiện thế nào?
Em cảm ơn anh.
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Nếu ô cnee là theo lệnh ngân hàng, thì ngân hàng ký hậu chuyển nhượng cho người nào thì người đó sẽ nhận được hàng nhé bạn
Mr Pham viết
Cảm ơn bài tư vấn rất hữu ích của Mr Ánh,
Mình đang bị vướng mắc ở khâu này, cty mình giao dịch 3 bên, cty mình ở Hàn Quốc, mình mua hàng từ Đức và gửi thẳng về Việt Nam cho khách. Nhưng để đảm bảo nhận đủ tiện trước khi hàng cập bến và kiểm soát thông tin giữa khách hàng và nhà sản xuất nên phần Consignee mình để: To order.
Theo như thông tin tư vấn ở trên, thì bên mình làm đúng thông lệ quốc tế là nhận BL từ nhà sản xuất, đóng thêm dấu mộc cty mình vào phía sau và gửi nó cho khách hảng ở Việt Nam.
Vậy tại sao bên hải quan ở Việt Nam vẫn không chấp nhận cho khách của mình lấy hàng ra (khi đã có BL gốc, Invoice, packing list bên mình cấp) là vì lý do gì nhỉ?
Trong trường hợp này nếu Hải quan cố ý hạch sách thì làm sao để xử lý khi ko thể sửa lại BL gốc nữa do hàng đã cập bến? Và để không bị hạch sách ở khâu thông quan, thì cần phải viết tên doanh nghiệp nhận hàng phía sau kèm dấu mộc của cty mình hay phải làm j khác nữa?
Xin cảm ơn rất nhiều.
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Cho mình hỏi lại là hải quan không cho khách hàng VN lấy hàng ra hay hãng tàu không phát D/O cho khách hàng ở VN đi nhận hàng vậy bạn ?
Vì bên mình vẫn nhận hàng với B/L TO ORDER bình thường đó bạn và hải quan cũng không hạch sách gì.
Chỉ có vấn đề bên hãng tàu thôi, đối với B/L TO ORDER thì có 2 cách hiểu, một đây là vận đơn vô danh – ai nhận hàng thì người đó ký hậu, hai đây là vận đơn ký hậu SHIPPER. Ở VN thông thường mình thấy hãng tàu đòi ký hậu SHIPPER đó bạn.
Hoàng viết
Xin chào Mr. Ánh,
cho mình hỏi là , khi khai báo thủ tục nhập hàng dùng BL ” To Order” không có tên người nhận hàng( chủ hàng ) đích danh trên ô này, lúc nộp cho hải quan thì họ có đồng ý hay yêu cầu gì thêm không ạh>
trân trọng!
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
B/L TO ORDER vẫn làm thủ tục hải quan bình thường nhé bạn, B/L TO ORDER cần ký hậu SHIPPER khi nhận D/O nhé bạn.
Bùi Văn Tùng viết
Chúng tôi có trường hợp cần tư vấn như sau: Chúng tôi mua hàng từ China, TT bằng L/C, khi hàng về, B/L thể hiện : Consignee :To order of MSB Banking , Notify Party: PBR Ct chúng tôi, nhưng khi trình B/L cho hãng tàu để nhận lệnh, ngoài dấu của ngân hàng MSB, có ghi Deliver to the Order, phải có dấu của chữ kí của PBR, thì mới chấp nhận cấp D/O,
Như vậy trong tường hợp này hãng tàu yêu cầu có đúng không, xin cho tư vấn về trường hợp này
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Bạn xem lại phần ký hậu ngân hàng ngoài ghi “Deliver to the order” sau đó có ghi rõ tên công ty bạn ra không nha, vì thông thường mình thấy ngân hàng ký hậu sẽ ghi đầy đủ nội dung như sau: Deliver to the order of PBR, khi đó bạn chỉ cần trình B/L là lấy được lệnh chứ không phải ký đóng dấu cty của bạn lên nữa.
Bảo ngọc viết
Chào a/c
E có thắc măc nếu mình sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu thì trong vận đơn theo lệnh của ngân hàng thì mình ghi ngân hàng bên nước xuất khẩu hay bên nước nhập khẩu ạ. E cám ơn
Lê Ánh viết
Chào Anh,
Cám ơn bài viết .
Cho em hỏi em có bill, Cnee: to oder, shipper chứng ở MẶT TRƯỚC của Bill gốc thì có hợp lệ không ạ,
Em cám ơn.
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
To Order – lệnh được xác nhận bằng cách ký hậu và đóng mộc vào mặt sau hoặc mặt trước của vận đơn. Vận đơn của bạn vẫn hợp lệ bạn nhé
Xuân viết
Xin chào Anh ! Cho Em hỏi tí:
+ Trong trường hợp NXK đã gửi hàng và cũng gửi chứng từ rồi và người nhận đã nhận được chứng từ mà người này không chịu trả tiền ( trên vận đơn đích danh đã ghi tên NNK ) cái này thì giải quyết sao ạ , Em cảm ơn !
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Trong mua bán quốc tế mình phải tùy vào uy tính cũng như mối quan hệ giữa các bên để quyết định việc gửi hàng và gửi chứng từ sao cho ít rủi ro nhất nhé bạn, trong trường hợp này nếu hàng chưa đến bạn có thể liên hệ hãng tàu để giữ hàng lại để chờ thanh toán nha.
Xuân viết
Cho Em hỏi chỗ này ạ :
+ Trong trường hợp NXK đã gửi hàng và cũng gửi chứng từ rồi và người nhận đã nhận được chứng từ mà người này không chịu trả tiền ( trên vận đơn đích danh đã ghi tên NNK ) cái này thì giải quyết sao ạ , Em cảm ơn !
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Bạn liên hệ hãng tàu nhờ giữ hàng lại nhé bạn
Hoàng thị Hồng Nhung viết
Dear Mr.Ánh,
Cảm ơn bài chia sẻ rất hữu ích của anh.
Em có 1 thắc mắc là khi mình dùng vận đơn To Order of Cnee thì trường hợp này mình có dùng bill Surrender được không, hay vẫn phải dùng bộ bill gốc?
Song Ánh Logs Support viết
Chào bạn,
Vận đơn theo lệnh là vận đơn chuyển nhượng được đó bạn, chuyển quyền sở hữu lô hàng bằng cách ký hậu lên vận đơn nên mình phải dùng vận đơn gốc nhé bạn.