Chào các bạn, hôm nay Ánh viết về rủi ro bảo hiểm hàng hải trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cách phân loại rủi ro hàng hải. Trước tiên, Bảo hiểm hàng hải là những nghiệp vụ liên quan đến các hoạt động của con người, tàu, hàng hóa được vận chuyển trên biển. Hoặc là những nghiệp vụ bảo hiểm có liên quan đến hành trình chuyên chở hàng hóa trên biển. (? woa, khó hiểu… Ví dụ chở 1 container đi qua Hàn Quốc, bao gồm trucking đường bộ thì đôi khi công ty bảo hiểm tính luôn trong bảo hiểm hàng hải. Sáng hơn rồi đúng ko?)
Trong bài viết này Ánh sẽ tập trung nói về rủi ro (Risk) trong bảo hiểm hàng hải. Bài viết sau Ánh sẽ nói về Tổn thất (Loss/ Damage/ Average). Nhưng để tránh mập mờ thì Ánh giải thích trước khác nhau giữa rủi ro và tổn thất. Ngắn gọn thế này, Rủi ro là những nguyên nhân có thể gây ra tổn thất. Ví dụ: Bạn đi học hay đi làm và dịp lễ về quê. Các rủi ro có thể xảy ra: xe cán đinh, trời mưa, bị công an phạt, bạn gái ngồi sau say nắng,… Trong chặng đường đi, xe bạn cán đinh phải tốn hết 80k tiền sửa. Thì 80k này là “tổn thất” cho “rủi ro” xe cán đinh. Và các rủi ro còn lại không xảy ra. Ok?
Không lan man nữa. Bây giờ sẽ đi vào phần chính của bài viết là phân loại rủi ro (Risk).
Khi chúng ta học để ý rằng phân loại cái gì đó thì họ dựa trên những đặc điểm chung nhất để phân loại, tức là một nhóm các đặc điểm gần giống nhau. Do đó rủi ro bảo hiểm hàng hải có nhiều cách phân loại. Sau đây là những cách phân loại rủi ro hàng hải:
1. Căn cứ vào những nguyên nhân gây rủi ro
– Thứ nhất phải kể đến chuyện ông trời : Thiên tai (Act of God) – là những rủi ro của các hiện tượng tự nhiên mà con người không thể chi phối, không thể điều khiển được như mưa, bão, gió lớn, sóng cao….
– Tai nạn bất ngờ cho tàu trên biển (peril of the sea/ accident of the sea): Là những tai nạn mà xảy ra trực tiếp với con tàu đi biển. Tàu đâm vào đá ngầm, tàu đâm vào tảng băng trôi ( như Titanic 😀 )
– Rủi ro do những hành động liên quan đến chính trị xã hội hay là do người được hưởng bảo hiểm gây nên.
– Rủi ro do hành động riêng lẻ nào đó của con người.
– Các nguyên nhân khác – thường đây là những rủi ro phụ như hàng bị rách, mất mùi, vỡ, biến dạng…)
2. Căn cứ vào nghiệp vụ bảo hiểm
2.1 Các rủi ro thông thường được bảo hiểm
Là những rủi ro xảy ra một cách thông thường theo điều kiện bảo hiểm gốc. Gồm có rủi ro chính và rủi ro phụ
2.1.1. Rủi ro chính: là những rủi ro có mức độ xảy ra thường xuyên và được bảo hiểm trong mọi điều kiện bảo hiểm như:
– Rủi ro mắc cạn (stranding): Là hiện tượng mà con tàu đi vào chỗ nước cạn do vô tình hoặc thủy triều. Đáy tàu chạm với đáy biển hoặc chướng ngoại vật mà tàu cần sự hỗ trợ của ngoại lực để thoát ra, rủi ro mắc cạn bao gồm luôn cả rủi ro mắc kẹt.
– Rủi ro chìm tàu (sinking): là hiện tượng mà con tàu chìm hẳn xuống nước làm cho hành trình bị hủy bỏ hoàn toàn. Đắng!!!
– Rủi ro cháy (Fire): Là hiện tượng mà xảy ra cháy nổ do kỹ thuật hay hàng hóa chứa trên tàu. Thường trong rủi ro này chia ra 2 loại cháy bình thường và cháy nội tỳ. Cháy bình thường là do những nguyên nhân khách quan như thiên tai, buộc phải tiêu hủy hoặc do sơ suất của người không được bảo hiểm. Cháy nội tỳ là do tính chất của hàng hóa chuyên chở có thể tự động bốc cháy như than, gas,… Công ty bảo hiểm chỉ bồi thường cho trường hợp cháy bình thường.
– Rủi ro va chạm (collision): là hiện tưỡng mà tàu, phương tiện vận chuyển đâm hoặc va chạm với bất kỳ vật nào khác nước (bao gồm cả băng).
– Rủi ro vứt bỏ hoặc ném xuống biển (Jettision): là hành động bỏ của cứu lấy người. Tức là thuyền trưởng quyết định vứt trang thiết bị hoặc hàng hóa xuống biển nhắm cứu tàu. Ví dụ như chở hàng nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ, được lệnh của thuyền trưởng thủy thủ có thể vứt container của bạn xuống biển để cứu tàu.
– Rủi ro mất tích (missing): Là trường hợp mà tàu không thể đến được cảng quy định trong hợp đồng hoặc sau một khoảng thời gian quy định kể từ ngày tàu bị mất tín hiệu. Các nước khác nhau thì có quy định khác nhau với thời gian quy định này. Chẳng hạn, Pháp – 6 tháng với hành trình ngắn, 12 tháng với hành trình dài; Anh – gấp 3 lần thời gian hành trình nhưng không nhỏ hơn 2 tháng và không lớn hơn 6 tháng; Việt Nam chúng ta quy định 3 lần thời gian hành trình nhưng không nhỏ hơn 3 tháng.
2.1.2. Các rủi ro phụ: Là những rủi ro khả năng xảy ra ít, chỉ được bảo hiểm trong những hợp đồng bảo hiểm mở rộng. Như hàng hóa bị hư hỏng, rách, cong vênh, hấp hơi (thoát hơi nước do bản thân hàng hóa), mất mùi, lây bệnh, móc cẩu (do quá trình vận chuyển bằng cẩu mà có thể làm tổn hại nguyên đai nguyên kiện của hàng hóa.
2.2. Rủi ro phải bảo hiểm riêng (rủi ro loại trừ tương đối)
Là những rủi ro bị loại trừ đối với các điều kiện tiêu chuẩn, nếu chủ hàng hoặc tàu muốn được bảo hiểm thì phải mua riêng như: Rủi ro chiến tranh (War Risk- WA), Rủi ro đình công (SRCC- strike, riots & civil commodition).
2.3. Rủi ro loại trừ (loại trừ tuyệt đối):
Là những rủi ro không được bảo hiểm (mua cũng không bán) với bảo hiểm hàng hải trong những trường hợp sau:
– Buôn lậu (Contraband)
– Lỗi của người được bảo hiểm (Insured’s fault)
– Tàu không đủ khả năng đi biển (Unseaworthiness)
– Tàu đi chệch hướng (Deviation)
– Nội tỳ (Inherent Vice)
– Ẩn tỳ (Latent Defect)
– Mất khả năng tài chính của chủ tàu
3. Kết Luận
Trong bài viết này đã trình bày các loại rủi ro hàng hải. Rủi ro là những nguyên nhân có thể gây ra tổn thất. Người ta có nhiều cách phân loại rủi ro: căn cứ vào nguyên nhân gây rủi ro và căn cứ vào nghiệp vụ bảo hiểm.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Chúc bạn sức khỏe và thành công!
Trả lời