Xin chào mọi người, hôm nay mình xin chia sẻ với mọi người một số thông tin hữu ích để chúng ta có thể chuẩn bị thật tốt cho một buổi phỏng vấn xin việc vào các công ty chuyên về xuất nhập khẩu.
Phỏng vấn xin việc là gì? Phỏng vấn xin việc hay phỏng vấn tuyển dụng nói chung là một cuộc trao đổi tương tác giữa 2 phía, người đi xin việc và nhà tuyển dụng, theo Richard N. Bolles “Phỏng vấn tuyển dụng, được tiến hành với nhà tuyển dụng nói chung, và người có thẩm quyền tuyển bạn vào công việc bạn muốn nói riêng”. Phỏng phấn xin việc đơn giản là “một buổi trò truyện thú vị” giữa nhà tuyển dụng và người đi xin việc mà sau buổi gặp gỡ này, phía công ty sẽ xem xét xem có nên nhận bạn vào vị trí họ đang có nhu cầu tuyển dụng hay không, cũng như giúp bạn tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: Mình có thật sự thích hợp với công ty và vị trí này hay không?
Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn vào công ty xuất nhập khẩu chỉ là một trường hợp cụ thể hóa cho một cuộc phỏng vấn tuyển dụng nói chung. Thường thì làm việc gì cũng vậy, có sự chuẩn bị kỹ càng thì chúng ta mới có một khởi đầu suông sẻ. Một khởi đầu thuận lợi có thể giúp tiến trình bắt tay vào thực hiện công việc đó tăng thêm % cơ hội thành công. Ở đây người viết cho là “Tăng thêm” khả năng thành công chứ không thực sự khẳng định: Bạn chỉ cần làm thật tốt khâu chuẩn bị, thì kết quả tốt nhất sẽ xảy đến với công việc của bạn. Vì quyết định thành công cho một công việc, cụ thể ở đây là một buổi phỏng vấn tuyển dụng, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đồng thời các biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và việc con người có thể quản trị, ngăn ngừa thật tốt chúng là chuyện rất khó.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng không thể nào phủ định vai trò quan trọng của sự chuẩn bị đối với ứng viên phỏng vấn xin việc: Một mặc việc chuẩn bị giúp hình dung ra các trường hợp cụ thể có thể xảy ra trong khi phỏng vấn, kéo theo đó, sự chuẩn bị tốt giúp mang lại tâm lý tự tin hơn cho đối tượng được phỏng vấn; Mặc khác, chuẩn bị tốt ngay từ ban đầu giống như chuẩn bị cho cú ngã đầu tiên của quân cờ Domino-nó kéo theo liên tục, liên tục những nguồn năng lượng tích cực và hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến bầu không khí của buổi phỏng vấn, bao gồm cả ấn tượng ban đầu của nhà tuyển dụng dành cho bạn.
Mình nghĩ rằng việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn nên được chia thành 3 giai đoạn, cụ thể, ở mỗi giai đoạn bạn sẽ có những kế hoạch, mục đích khác nhau. Nhưng, tựu chung lại, đây là các bước tuần tự, liên kết chặc chẽ và ảnh hưởng đến kết quả của cuộc phỏng vấn giữa bạn và nhà tuyển dụng.
I. Giai đoạn trước khi phỏng vấn
Trước buổi tham gia phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị ít nhất là một vài ngày, tùy thời hạn công ty đưa ra cho bạn hay thỏa thuận giữa cả hai, để có được TẤT CẢ những gì cần thiết, những gì phù hợp. Tất cả những gì cần thiết và phù hợp ở đây bao gồm:
1. Tinh thần
Ví chăng cuộc phỏng vấn cũng như một cuộc chuẩn bị cho một chuyến du lịch xa, đến một vùng đất lạ lẫm mà bạn trước khi đặt những bước chân đầu tiên đến thực địa, bạn có thể chủ động khám phá, và hình dung tại nhà điểm đến đó bằng các phương tiện truyền thông, bè bạn hay công ty du lịch,…và đừng nên quá lo lắng cho dù đó là một hành trình “mạo hiểm” hay một cuộc phỏng vấn với tỷ lệ chọi lên tới 1/100 thậm chí 1/1.000. Vì đơn giản, bạn chỉ là một con người bình thường, một vị khách du lịch yêu thích khám phá, học hỏi nhiều trải nghiệm quý báo và hãy cảm thấy tuyệt vời khi cơ hội trải nghiệm ấy đã đến với bạn, chứ không phải những người kém may mắn hơn bạn (cụ thể, đó là những người đã nộp hồ sơ xin việc nhưng lại không được công ty gọi đi phỏng vấn).
Chuẩn bị tinh thần ở đây nghĩa là:
– Bạn hãy luôn lạc quan cho dù chưa biết chắc là mình có phỏng vấn thành công hay không.
– Bạn phải luôn tin vào bản thân mình và đừng bao giờ cảm thấy nhụt chí trước các nguồn thông tin trái chiều từ bên ngoài,( ví dụ như công ty XNK đó đã có sẵn danh sách những người muốn tuyển, vấn đề chỉ là phỏng vấn hàng tá ứng viên một cách công khai,một cách hình thức). Thật tệ khi nhiều bạn chưa xác định tính xác thực của nguồn thông tin rò rĩ ấy đã vội bi quan, lo lắng. Điều này rất có hại, vì nó sẽ khiến cơ thể bạn tự sản sinh ra một nguồn thông tin xấu, kết hợp với những chướng ngại bên trong tâm lý của bạn, làm ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn cả nguồn thông tin từ bên ngoài, và sau một thời gian đến ngày phỏng vấn, sự tự tin của bạn sẽ bị bào mòn nhanh chóng đấy. Những “chướng ngại tâm lý” thường gặp nhất là: bạn chưa thật sự sẵn sàng cho công việc này hay bạn chưa đủ quyết tâm để theo đuổi nó đến cùng, hoặc bạn chỉ muốn tìm một công việc tạm thời trong khi chờ một vị trí phù hợp hơn và điều này khiến cho quyết tâm của bạn dễ lung lay. Cho nên điều quan trọng nhất để bạn giữ vững tinh thần trước khi tham gia phỏng vấn chính là giữ vững ý chí của bạn.
– Bạn phải có một tinh thần tốt thì bạn mới có được một thái độ tốt và điều này vô cùng quan trọng đến cách hành xử của bạn, khi mà hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận con người của bạn thông qua thái độ và cách hành xử dù là nhỏ nhất của bạn để đánh giá cách bạn làm việc, hay hình dung ra trông bạn sẽ như thế nào trong tương lai ở vị trí nhân viên của họ.
– Cuối cùng, hãy xem cuộc phỏng vấn giữa bạn và nhà tuyển dụng đơn giản chỉ là một cuộc trò chuyện thân mật giữa 2 người bạn đã lâu không gặp.
Tôi đã từng rất căng thẳng khi phải phỏng vấn với một cấp trên gần gần gấp rưỡi số tuổi của tôi và bởi anh ấy nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói chuyện. Lúc bắt gặp ánh mắt chăm chú ấy tôi đã vô cùng bối rối và hồi hợp, nhưng trên khuôn mặt ấy là một bờ môi luôn mĩm cười và hầu như tất cả các cơ và đường nét trên mặt anh điều đang cố gắng tỏ vẻ thân thiện nhất và tự tin nhất với tôi. Lúc ấy tôi đã nghĩ anh ấy giống như anh hai của mình, vì anh tôi lớn hơn tôi đến 15 tuổi. Tôi tập nhìn vào mắt người phỏng vấn mình, thoạt đầu thật khó, nhưng sau đó tôi không thể tránh né mãi vì anh ấy nhắc nhỡ tôi nên tập trung nhìn vào anh ấy, vẫn với nụ cười tự tin của mình. Những lúc bối rối khi nhìn vào mặt một người anh hai “bất đắt dĩ” như vậy tôi đã chuyển cái nhìn vào cằm và miệng anh ấy như vẫn đang chăm chú theo giõi. Sau này tôi mới nhận ra việc né tránh ánh mắt của nhà tuyển dụng là một sai lầm rất lớn và tôi đã rất mai mắn khi được chính người tuyển dụng mình nhắc nhở và thông cảm, cũng như nhận tôi vào làm. Richard N. Bolles cũng cho rằng “ nhà tuyển dụng sẽ cho bạn điểm trừ nếu bạn liên tục tránh ánh mắt của nhà tuyển dụng,…” (Trích “Dù của bạn màu gì”)
Nói chung, sự chuẩn bị tinh thần chính là sự chuẩn bị từ chính bên trong con người bạn, hãy chú ý đến thời gian thích hợp nhất để có thể chuẩn bị tốt tinh thần và nhiều thứ khác nữa, trước khi nhận lời cuộc hẹn phỏng vấn của nhà tuyển dụng. Một số nhà tuyển dụng không cho bạn thời gian sau cú điện thoại hẹn bạn phỏng vấn nhiều hơn 1 ngày, thậm chí vài tiếng, cho nên trước khi nộp đơn xin việc vào một công ty XNK hay 1 ngành nghề bất kỳ, hãy mặc cho tinh thần mình một lớp áo vững vàng và tự tin nhất bạn nhé.
2. Hãy đảm bảo bạn đã tìm hiểu thông tin về vị trí xin việc; thông tin về công ty XNK bạn sẽ xin việc
a/ Thông tin về vị trí xin việc
Trước tiên, thông tin về vị trí công việc bạn sẽ ứng tuyển rất quan trọng. Công việc này được thực hiện trước khi bạn nộp hồ sơ xin việc chứ không phải trước khi phỏng vấn. Dù cho bạn không chắc về việc mình có được gọi đi phỏng vấn hay không, bạn cũng phải luôn chắc chắn với mục tiêu của bạn sẽ là một công việc như thế nào, và vị trí công việc này có thích hợp cho mình hay không. Khi chưa chính thức đi làm, bạn chưa có trải nghiệm về nó một cách cụ thể, và chỉ một cái tên công việc cũng có thể có rất nhiều nghiệp vụ xung quanh cái tên ấy. Những nghiệp vụ ấy lại đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau, bạn phải hình dung ra chúng, tìm hiểu về chúng. Cách thức để tìm hiểu về một vị trí ngành nghề rất đơn giản. Đôi khi ngay trên các thông báo tuyển dụng sẽ bày sẵn cho chúng ta những mô tả cụ thể về công việc, đôi khi đó chỉ là những gạch đầu hàng ngắn gọn, thỉnh thoảng, nhưng rất ít doanh nghiệp nào bỏ qua việc mô tả cụ thể về vị trí công việc họ đang tuyển. Tuy là vậy, họ chỉ mô tả cụ thể ở một mức độ nhất định, đôi khi bạn phải tìm hiểu thêm về vị trí và các nghiệp vụ liên quan thông qua các tài liệu trên các Internet, sách báo, gia đình, bạn bè, hay một người quen biết của bạn hiện đang làm việc tại công ty ấy (Đừng bỏ qua việc tận dụng các mối quan hệ trong khi xin việc nếu như nó vẫn ở một mức độ cho phép và không vi phạm các chuẩn mực đạo đức).
Một vài vị trí làm việc tại công ty XNK, các bạn có thể tham khảo tại đường link sau tại trang web Song Ánh:
Những vị trí việc làm trong ngành xuất nhập khẩu, Logistics – Học ra làm gì
Các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao một người ứng viên tìm hiểu kỹ về vị trí ứng tuyển, vì nó cho thấy bạn thật sự quan tâm công việc này và bạn là một người làm việc cẩn thận. Cần nhớ là trong quá trình phỏng vấn, các nhà tuyển dụng sẽ đặt ra câu hỏi đại khái như: Bạn có thể đóng góp gì cho công ty chúng tôi tại vị trí bạn ứng tuyển hay bạn có khả năng đáp ứng những nhu cầu của công ty chúng tôi tại vị trí công việc này như thế nào? Và người tuyển dụng phải hiểu rõ vị trí công việc này hơn ai cả, thứ nhất để xem xét xem bản thân có thể đáp ứng được những yêu cầu, kỹ năng cho vị trí làm việc này hay không? Thứ nhì, để có thể thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn phù hợp ra sao, bạn có thể mang đến những gì cho họ bởi vì bạn biết rõ họ cần gì, và bạn có thể có những kỹ năng gì mà họ đang tìm kiếm. Và cuối cùng, trong thời gian đợi công ty phỏng vấn, hãy tranh thủ hoàn thiện một số kỹ năng của bản thân mà bạn còn chưa thật sự xuất sắc để có một sự thể hiện tốt nhất trước mặt những người sẽ tuyển dụng bạn.
b/ Thông tin về công ty XNK
Cũng như tìm hiểu thông tin về vị trí xin việc, tìm hiểu thông tin về công ty mà rất có thể sau này bạn sẽ gắn bó với nó, nên được thực hiện từ giai đoạn bạn nộp hồ sơ ứng tuyển, và nên tiếp tục được hoàn thiện dần nếu như bạn mai mắn được công ty cho một cái hẹn phỏng vấn.
Nếu bạn thường xuyên quan tâm, bày tỏ thiện ý của mình (một cách lịch sự) với một ai đó, người ấy ắt hẳn sẽ nhắc và nhớ về bạn trong một thời gian dài với một niềm trân quý đặc biệt. Nhà tuyển dụng đánh giá cao những ai quan tâm đến họ, coi trong những ai có sự quan tâm đến tình hình kinh doanh và sứ mệnh phát triển của họ một cách nghiêm túc. Trong khi làm phỏng vấn tuyển dụng, nhà tuyển dụng bạn thường sẽ đưa ra quyết định ngay lúc ấy, rằng bạn có phaải là người được nhận hay không. Tuy nhiên, như mình đã nói trước đó, vì bạn đã tỏ thái độ quan tâm sâu sắc đến công ty của họ, việc họ “nhắc và nhớ” đến bạn sẽ rất có thể xảy ra sau đó, và biết đâu sau khi cân nhắc kỹ lại về một ứng viên đầy nhiệt tâm như bạn, họ có khả năng sẽ thay đổi quyết định của mình, đó là nhận bạn làm cộng sự của họ, hay ngược lại, nếu như trong một giây phút nào đó trong quá trình phỏng vấn, bạn đã để lại một ấn tượng xấu trong tâm trí họ về bạn-“một con người không tìm hiểu gì về công ty của tôi một cách đầy đủ lại luôn miệng ba hoa như biết tuốt”
Tuy nhiên, những sự hiểu biết về một công ty nên chỉ dừng lại ở các thông tin thông thường (Lịch sử hình thành, logo, sứ mệnh, tầm nhìn, hệ thống phân phối sản phẩm, khách hàng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh,…). Việc bạn “phô” ra cho nhà tuyển dụng thấy quá nhiều hơn bình thường những gì bạn biết về công ty có thể làm người tuyển dụng cảm giác bạn là một người nguy hiểm, nhiều mưu toan, thậm chí họ còn nghĩ bạn là mẫu người tò mò, tọc mạch, sau này có thể gieo rắt nhiều tật xấu trong cơ quan họ.
Bên cạnh đó, nếu như bầu không khí của cuộc phỏng vấn thuận lợi, hãy xin phép họ nói nhiều hơn về cách nghĩ của bạn về một vấn đề nào đó mà cả bạn và các công ty đang thật sự quan tâm, chẳng hạn như môi trường ngành đầy tính cạnh tranh trong làm Logistic hay các ảnh hưởng tốt và xấu của thực trạng phát triển của nền kinh tế hiện nay đến quá trình vận hành của công ty trong thời gian tới. (Một số người phỏng vấn sẽ cảm thấy phiền nếu như bạn nói quá nhiều, làm lãng phí thời gian của họ, vậy nên hãy chắc chắn là bạn có xin phép họ nói thêm một vài phút một cách lịch sự). Mình nghĩ nếu bạn thật sự giỏi, ý kiến của bạn có thể giúp nhà tuyển dụng có thêm gợi ý và giải pháp (dù họ chưa chắc sẽ sử dụng nó). Lúc này, trong mắt nhà tuyển dụng, bạn là một người nhân viên có kỹ năng nhận định tốt các cơ hội và thách thức, một tố chất luôn gây ấn tượng tốt và làm người khác cảm thấy thiện cảm khi bạn chỉ là một người còn khá trẻ.
Thường thì một cuộc phỏng vấn chỉ nên kéo dài không quá 20 phút, thông thường là từ 15-20 phút, tuy nhiên như mình đã nói trước đó, đừng quan ngại nếu như bạn nói nhiều hơn so với các ứng viên khác, miễn làm sao nội dung cuộc “trò chuyện” đó vẫn đảm bảo giá trị những gì bạn truyền tải, tức dài hơn nhưng không gây thừa thải. Hãy tự hào rằng bạn có thể làm cho người khác lắng nghe mình. Mình có nghe kể lại một bạn nam trong lớp của mình đã nói chuyện phỏng vấn trong vòng một tiếng đồng hồ với một công ty XNK, trong khi những người khác thời lượng trung bình chỉ là 15 phút. Nhưng đáng ngạc nhiên là cuối cùng bạn ấy đã được nhận. Người ngoài cuộc cho rằng bạn ấy “nói nhiều quá, công ty không nhận thì tội nghiệp”. Nếu dễ đạt được như vậy thì rất nhiều công ty XNK hiện nay đang trở thành các lò đào tạo kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp rồi, chứ không phải làm kinh doanh.
3. Thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn
Một cuộc phỏng vấn giữa bạn và nhà tuyển dụng không nói lên tất cả, rằng bạn đã thể hiện đúng với con người thật sự của bạn trước nhà tuyển dụng, cho nên các nhà tuyển dụng sẽ cố gắng trong một thời lượng giới hạn: quan sát và đánh giá từng hành vi, cử chỉ nhỏ nhất của bạn, và họ cho rằng cách mà bạn làm những việc nhỏ cũng chính là cách mà bạn làm những việc lớn. Vì vậy hãy thể hiện tác phong chuyên nghiệp của bạn trong buổi phỏng vấn xin việc như sau:
– Không nên đi trễ:
Việc đi trễ làm lãng phí thời gian cho nhà tuyển dụng và có một điều chắc chắn rằng không một muốn nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một ứng viên như thế, trừ khi bạn có một lý do đặc biệt, một trường hợp khẩn cấp (Chẳng hạn như tai nạn). Trong trường hợp này hãy điện thoại cho các anh chị lễ tân hoặc nếu bạn có số điện thoại của nhà tuyển dụng, điện thoại trực tiếp cho họ càng tốt, hãy xin họ một cuộc hẹn khác vào một ngày gần nhất, khi bạn đã giải quyết công việc đột xuất của mình xong xuôi. Nếu như họ thông cảm cho bạn, thật mai mắn, còn nếu không, xem như đây là một trải nghiệm giúp bạn quản trị được các rủi ro lần phỏng vấn sau thật tốt.
– Ngoại hình thanh lịch:
Cách bạn ăn mặc thể hiện cách bạn tôn trọng bản thân người đối diện và nó là một trong những ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người tuyển dụng. Nhìn chung, dù là nam hay nữ cũng nên vận những trang phục phù hợp với ngành nghề, vị trí. Nên nhớ, các trang phục công sở thanh lịch (Áo sơ mi, quần âu, váy áo công sở), không quá hở hang, lòe loet, vừa vặn, thoải mái chứ không bó sát, là lựa chọn thích hợp nhất. Nếu là các bạn nữ, nên chọn lối trang điểm nhẹ nhàng, tinh tế, tránh mang giày cao gót quá cao hay các mẫu giày dép gây ra tiếng động khi di chuyển. Đừng xịt lên người những loại nước hoa quá nồng, tránh làm cho cơ thể tỏa ra nhiều mùi hương khác nhau, chuẩn bị đầu tóc gọn gàng, chăm chút móng tay sạch sẽ và cắt ngắn chúng cũng như tránh sơn móng lòe loẹt, chú ý làm sạch răng cùng khoang miệng của bạn để tránh mất thẩm mỹ cũng như gây ra mùi hôi khi bạn nói chuyện với nhà tuyển dụng.
– Sức khỏe tốt:
Trước ngày thực hiện phỏng vấn, bạn cần đảm bảo thể trạng của mình thật khỏe mạnh, tránh thức quá khuya, vì ngày hôm sau sẽ làm bạn kém minh mẫn, và nếu như bạn lỡ ngáp ngắn ngáp dài trước mặt người phỏng vấn thì họ sẽ không thích đâu. Đảm bảo rằng hôm phỏng vấn sức khỏe của bạn thật tốt cũng góp phần tạo nên “phong độ” trước mặt nhà tuyển dụng, vì nếu bạn bị ốm hay nhợt nhạt quá, công ty sẽ lo ngại sau này bạn không cán đáng nổi công việc được giao, và bạn lại có thêm một điểm trừ trước mặt họ.
– Chuẩn bị vốn ngoại ngữ tốt (Nếu công ty của bạn thực hiện phỏng vấn bằng ngoại ngữ):
Bằng cách tự tin, thoải mái khi giao tiếp dù cho họ có phải là người Việt Nam hay không. Chú ý sử dụng các mẫu câu “cảm ơn” hay “Xin lỗi” trước khi bạn muốn bày tỏ thái độ hài lòng hay quan ngại của bạn khi gặp người nước ngoài. Hãy thử tham gia các Câu lạc bộ thanh niên trong trường Đại học của mình, thường họ sẽ giúp bạn liên kết với các tổ chức hỗ trợ việc làm hay các công ty, một trong số các hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ thanh niên là tổ chức các lớp tập huấn tìm việc, trong đó có tổ chức phỏng vấn giả định với ngay cả doanh nghiệp. Bạn có thể tốn một ít chi phí cho các trải nghiệm phỏng vấn này, đương nhiên có cả các cuộc phỏng vấn bằng ngoại ngữ (Tiếng anh là phổ biến nhất), tuy nhiên những khoảng phí này thường không cao, phù hợp với túi tiền sinh viên. Hoặc nếu bạn đã ra trường và không có cơ hội tham gia các câu lạc bộ, hãy thuyết phục một vài người bạn của bạn thực hiện các cuộc phỏng vấn với tiếng nước ngoài với mình. Hãy nói với bạn của mình rằng hãy soạn ra những câu hỏi ngẫu nghiên cho mình, và khi phỏng vấn giả định với bạn mình, hãy tập phản xạ và trả lời câu hỏi, chẳng hạn bằng tiếng anh một cách bình tĩnh, tìm ra các mẫu câu đơn giản, rõ nghĩa, cũng như chú ý phát âm rõ ràng, chính xác.
– Chuẩn bị tài liệu cần thiết (Nếu bạn có thể):
Các tài liệu về một dự án, kế hoạch của bạn khi vào công ty. Thường các công ty rất hay hỏi dạng câu hỏi như: Anh/ chị quan tâm đến những khía cạnh nào trong phạm vi công việc hay trong phạm vi ngoài công việc?; Anh/chị có các kế hoạch phát triển gì trong vòng 5 năm tới?. Vâng, chính là lúc này đây, hãy thuyết phục họ bằng sự trung thực của bạn với các dự án hay kế hoạch được hoạch định cụ thể, đầy đủ. Nếu bạn có được sự giới thiệu của người làm trong công ty, hãy xin người ấy giấy giới thiệu và mang đến cho nhà tuyển dụng.
II. Giai đoạn trong khi phỏng vấn
Đây là giai đoạn quan trọng, tại đây bạn sẽ có sự tương tác trực tiếp với nhà tuyển dụng của mình, bằng một cuộc trao đổi, chẳng hạn nó kéo dài 15 phút. Dù một số người có ý kiến rằng phỏng vấn xin việc cũng chẳng phải là một khâu quan trọng gì mấy trong tuyển mộ nhân sự, vì chỉ bằng một cuộc nói chuyện ngắn ngủi mà có thể giúp các công ty tìm đúng người thì cơ hội thành công cũng chẳng cao hơn bao nhiêu so với việc bóc tùy ý vài cái hồ sơ. Vấn đề ở đây là do cách nghĩ của bạn mà thôi, còn về phía các công ty XNK, họ chỉ biết thực hiện tất cả những biện pháp cho là cần thiết để việc đánh giá và tuyển mộ nhân viên diễn ra với rủi ro thấp nhất, cho dù có thể tiến hành phỏng vấn bao nhiêu đợt đi chăng nữa. Và những ứng viên phải chuẩn bị tinh thần cho không chỉ một cuộc phỏng vấn mà là nhiều hơn thế nữa. Việc “gạn đục khơi trong” của các công ty ngày nay có thể làm những bạn đi xin việc cảm thấy “đuối”, vì một số công ty không chỉ phỏng vấn, họ còn tổ chức các bài test và giao các nhiệm vụ liên quan đến nhiều kỹ năng cho các ứng viên. Có đơn vị tổ chức hết thảy 7 vòng thi, sau đó họ chỉ chọn 1-2 người ở lại. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của kinh tế học, chỉ khi nào bạn thật sự tập trung bạn mới có thể tạo nên sự khác biệt. Xin việc, săn việc không phải là một cuộc đua, mà là một cột mốc mà ai cũng phải tự tay ghi dấu trong đời.
Một vài thứ bạn cần biết đến trong giai đoạn này bao gồm:
. Các câu hỏi thường được đặt ra
Trong giai đoạn này, các nhà tuyển dụng bạn sẽ cực kỳ nhạy cảm và chú ý quan sát ứng viên. Việc đặc các câu hỏi cũng thường xuyên diễn ra, các câu hỏi này thường dưới các dạng phổ biến mà công ty nào ít nhiều cũng sẽ đặt ra cho bạn, như:
– Anh/chị hãy tự giới thiệu về bản thân mình.
– Anh/chị biết gì về công ty này?
– Tại sao anh chị muốn nộp đơn vào công việc này?
– Anh/chị mô tả bản thân ra sao?
– Điểm mạnh của anh/chị là gì?
– Điểm yếu lớn nhất của anh/chị là gì?
– Anh/chị thích làm công việc nào nhất?
– Anh/chị quan tâm đến những gì ngoài công việc?
– Thành tựu nào trong quá khứ khiến anh/chị hài lòng nhất?
– Tại sao anh/chị bỏ công việc cũ?
– Tại sao anh/chị bị sa thảy (Nếu có)
– Anh/chị hình dung sau 5 năm nữa mình sẽ như thế nào?
(Theo Richard N. Bolles)
2. Cách lắng nghe và trả lời câu hỏi
Muốn có một câu trả lời chuyên nghiệp và thân thiện trước nhà tuyển dụng, bạn phải chú tâm lắng nghe họ đang hỏi gì hay họ thật-sự-muốn-hỏi-gì. Tránh lầm lẫn giữa các khái niệm. Không tốt tí nào nếu như bạn cứ nhầm lẫn giữa “Chuyển nhượng” và “cấp giấy phép” hay “Mua lại” và “sáp nhập”. Suy nghĩ kỹ chứ đừng vội vàng đưa ra câu trả lời ngay nếu như bạn không chắc chắn đó có phải là một câu trả lời xúc tích và rõ ràng.
Hãy nhớ điều chỉnh âm lượng nói của bạn gần bằng âm lượng của người phỏng vấn bạn. Khi trả lời hay lắng nghe họ, bạn nên thể hiện thần thái tự tin, vui vẻ, đầy năng lượng.
Nếu như nhà tuyển dụng chưa nói xong, đừng vội ngắt lời họ, xem đồng hồ liên tục trong lúc họ nói hoặc nhìn đi đâu khác. Nó gây cho nhà phỏng vấn cảm giác bạn không tập trung. Hãy thể hiện cho họ thấy bạn đang rất chú tâm lắng nghe những giãy bày của họ. Đồng thời, đừng quên đưa ra các dấu hiệu cho nhà tuyển dụng biết là bạn đang lắng nghe họ: bạn cò thể gật đầu nhẹ hay “dạ” trong khi nghe họ nói.
Nghệ thuật giao tiếp chỉ ra rằng khi bạn lắng nghe người khác nói chứng tỏ bạn đang ngầm làm họ cảm thấy thỏa mãn. Hãy kết hợp giữa việc nghe và nói trong khi phỏng vấn xin việc, kết hợp giữa việc nghe và trả lời câu hỏi với việc hỏi ngược lại nhà tuyển dụng và nghe họ trình bày. Vì trước đó mình đã chia sẽ, phỏng vấn xin việc chỉ là một cuộc gặp gỡ của 2 hay nhiều người bạn mới quen hay đã lâu không gặp mà thôi.
3. Tác phong lịch sự và sự tôn trọng của bạn đối với công ty
Để có một tác phong lịch sự, chỉ cần ghi nhớ cách nói chuyện, đi đứng của bạn. Không nên nói quá nhỏ, người tuyển dụng sẽ không nghe bạn và bạn mất hẳn vẻ tự tin, cũng không nên nói quá to, làm đanh tai nhức óc người nghe.
Khi trao đổi, bạn nên cho nhà tuyển dụng thấy sự thoải mái và nhiệt tình của mình, nhưng cũng đừng vì vậy mà làm mất vẻ thanh lịch và tế nhị của bạn. Hãy vừa nói vừa thể hiện ngôn ngữ cơ thể, như sử dụng bàn tay của mình khi diễn đạt chẳng hạn, đừng cứ gò bó và cứng đơ như khúc gỗ trên chiếc ghế nhé, nó sẽ làm mất đi sức lôi cuốn khi bạn trình bày. Khi bắt tay nhà tuyển dụng, hãy đảm bảo rằng cái bắt tay ấy thể hiện sự mạnh mẽ và tư tin, đừng mang lại một cái bắt tay yếu ớt trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Trong khi đợi nhà tuyển dụng đến, đừng vội đi đứng lung tung, cho dù bạn có tò mò đến đâu đi chăng nữa. Nó làm nhà tuyển dụng cảm thấy sau này bạn sẽ là một nhân viên không tôn trọng kỷ luật.
Khi trả lời phỏng vấn, tránh mất tập trung, nhìn vào mắt người phỏng vấn một cách thân thiện. Bạn cũng có thể chọn bất kỳ điểm nào trên mặt để nhìn vào trừ đôi mắt, nếu như việc nhìn vào mắt người đối diện khiến bạn lung túng.
Đừng thực hiện những thao tác thừa thải: Ví dụ như nghịch tóc, bẽ khóp ngón tay, đu dưa hay rung chân, chống cầm,…hay bất kỳ hành vi nào khiến người đối diện cảm thấy bạn thiếu nghiêm túc trong giao tiếp.
Khi đặt chân vào công ty, hãy chú ý chào hỏi mọi người, từ nhân viên bảo vệ, lễ tân, đến thư ký của công ty, hãy thể hiện cho công ty thấy phong thái lễ độ và lịch sự của bạn cũng như chứng tỏ bạn tôn trọng công ty thế nào.
Nếu nhà tuyển dụng có hỏi về chỗ làm cũ, bạn đừng phê bình hay chê trách chỗ cũ nhé, hãy trình bày thật từ tốn những cảm nhận của bạn về các khuyết điểm của doanh nghiệp cũ hay đánh giá thành thực những thành tựu nổi bật của nó. Vấn đề ở đây là không phải bạn đóng vai người tốt, mà là bạn cho nhà tuyển dụng bạn cảm giác yên tâm: Đó là sau này nếu không làm ở chỗ họ nữa, bạn cũng sẽ không nói xấu họ với công ty khác. Vì cũng như hầu hết các cá nhân bình thường, các công ty và những con người đang làm việc trong đó cũng ít nhiều có những cố tật của riêng họ, nhưng đừng vì vậy mà biến họ thành những nhân vật chính trong câu chuyện của bạn, dưới cái quyền “tự do ngôn luận” của mỗi chúng ta.
Trước khi ra về, nhớ kéo chiếc ghế lúc nãy bạn ngồi về đúng vị trí ban đầu của nó một cách ngay ngắn.
4. Hãy là một ứng viên trung thực
Như lúc nãy mình có trình bày, việc thực hiện một buổi phỏng vấn ngắn làm các nhà tuyển dụng lo lắng không thể giúp các nhà tuyển dụng nhận ra ứng viên phù hợp với họ, và họ thực sự rất nhạy cảm so với bên ngoài vẻ chuyên nghiệp thường thấy. Trong lúc họ đặt câu hỏi phỏng vấn cho bạn, họ sẽ rà soát lại một lần nữa các thông tin của các ứng viên có chính xác như trên CV (Hồ sơ xin việc) hay không. Họ thường sẽ lần lượt đặt ra các câu hỏi cho bạn để kiểm tra xem những kỹ năng, kinh nghiệm của bạn có thực sự như những gì bạn ghi trên CV. Đơn giản như kinh nghiệm bán hàng hay làm thêm của bạn, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra những khía cạnh thực tế, về cách làm hài lòng khách hàng và giải quyết các đơn hàng bị trả lại của bạn ra sao, cũng như đề nghị ra một tình huống có liên quan, và họ rất muốn nghe cách bạn giải quyết nó như thế nào.
Hãy luôn trung thực trong các câu trả lời của mình, cho dù đó có thể là một cách xử lý không hoàn toàn xuất sắc và làm cho các khuyết điểm của bạn hiện ra. Nhưng đó lại là một câu trả lời thông minh đấy. Các nhà tuyển dụng thích những ai trung thực, không lập lờ và che giấu khuyết điểm của mình. Nhưng ai mà chẳng có khuyết điểm và ưu điểm chứ, hãy cho họ thấy trung thực chính là ưu điểm lớn của bạn và sếp của bạn có thể hoàn toàn tin tưởng vào một nhân viên trung thực và mẫn cán như bạn.
Thể hiện bản thân của bạn như đúng những gì nó vốn có chính là cách làm thông minh, vì khi bạn cố tình che giấu bản tính thực sự của mình hay những thất bại trong quá khứ của mình,bạn cũng không thể che giấu mãi mãi được. Doanh nghiệp là nơi tương tác giữa người với người trong môi trường kinh doanh. Sau này khi bạn có cơ hội cộng tác cùng công ty, sếp và đồng nghiệp của bạn sớm muộn cũng nhận ra. Nhất là những tật xấu bất di bất dịch như: Đi trễ, ba hoa, chậm chạp, bè cánh,…
5. Hãy đặt ra các câu hỏi, đừng chỉ trả lời lại
Đặt ra câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng giúp bạn và nhà tuyển dụng hiểu rõ nhau hơn. Các thỏa thuận đặt ra sau này giữa bạn và công ty cũng dễ dàng đạt được hơn, cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, giúp bạn suy xét xem bản thân mình có thích hợp với công việc tại công ty này hay không?
Thông thường đó là những câu hỏi được đặt ra trong tâm thế bạn chưa chắc mình có được nhận hay không, cho nên chúng ta không thể hỏi thêm quá nhiều về các chế độ lương thưởng, kỷ luật, hay các yêu cầu đặc biệt khác của công việc. Tuy nhiên, bạn có thể làm rõ câu hỏi của nhà tuyển dụng đặt ra cho bạn bằng các câu hỏi ngược lại.
Đó có thể là những câu hỏi cho nhà tuyển dụng thấy bạn đang lắng nghe và muốn trao đổi kỹ hơn về công việc. Đó cũng là những câu hỏi để “xác nhận”: Liệu kinh nghiệm về bán hàng của tôi có đáp ứng tốt cho yêu cầu của công ty? Nếu câu trả lời của nhà tuyển dụng là họ chưa hài lòng, đấy chính là lúc bạn cần tập trung thuyết phục họ (Hãy kể thêm nhiều kinh nghiệm khác của bạn, các tài lẻ hay thành tựu từ bé đến giờ mà bạn là cho là phù hợp). Đó là những câu hỏi để “thuyết phục”: Anh/chị có thể cho tôi một cơ hội để cụ thể hóa những gì mình nói chứ? Đó có thể là những câu hỏi thể hiện sự “cầu thị” của bạn: Chúng ta có thể nói kỹ hơn về vấn đề tìm kiếm khách hàng được không ạ.
Khi cuộc phỏng vấn của bạn dần đi sâu, có khi là bạn được một cái hẹn cho cuộc phỏng vấn tiếp theo, và công ty đã thực sự đặt ra những câu hỏi cho thấy sự quan tâm của họ dành cho bạn, theo đó bạn có thể hỏi họ:
– Cụ thể là tôi đang được cân nhắc vào công việc gì?
– Nếu được tuyển tôi phải làm những nhiệm vụ gì?
– Trách nhiệm của tôi?
– Công ty tuyển tôi vào để đạt được những thành quả gì?
– Tôi sẽ làm việc với một đội, hay nhóm? Tôi sẽ báo cáo cho ai?
– Ai chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn đào tạo tôi, ở đây, để bắt kịp tốc độ làm việc?
– Tôi sẽ đánh giá kết quả làm việc như thế nào, bao lâu một lần, và ai đánh giá?
– Ưu và nhược điểm của những người làm công việc này trước đây là gì?
– Nếu anh/chị không ngại, tôi muốn hỏi tại sao anh chị lại quyết định làm việc ở đây?
(Theo Richard N. Bolles)
III. Giai đoạn sau khi phỏng vấn
Điều đặc biệt từ đầu đến cuối khi bạn thực hiện phỏng vấn xin việc là thái độ của bạn sẽ là dấu hiệu được ghi nhận đầu tiên, sau là đến các kỹ năng và kiến thức của ứng viên. Hãy luôn là một người lịch thiệp, dù rằng có thể sau buổi phỏng vấn, người được nhận vào công ty không phải là bạn.
Vì vậy, sau khi phỏng vấn về, chúng ta nên:
1. Viết một lá thư cảm ơn nhà tuyển dụng
Hãy viết một lá thư chân thành cho công ty và nhà tuyển dụng. Đây cũng giống như một phép lịch sự cần thiết và gây ấn tượng rất tốt, giống như việc trước tiên bạn ra về, bạn phải thưa gửi với gia chủ vậy. Các doanh nghiệp ngày nay thậm chí còn gửi email cảm ơn cho các ứng viên đến phỏng vấn, mặc dù những người này không được tuyển.
Thư cảm ơn ngày nay đa phần được gửi bằng email (Hộp thư điện tử). Vì nó là một phương thức liên lạc tiện lợi và phổ biến giữa doanh nghiệp với ứng viên hay nhân viên. Hãy sử dụng email mà nhà tuyển dụng thông báo cho bạn lúc tuyển dụng hay trước khi đi phỏng vấn. Các email này thường được công khai và dễ dàng cho bạn tìm thấy trên website của công ty.
Nội dung của lá thư cảm ơn nên thể hiện thái độ biết ơn của bạn một cách chân thành, hãy đảm bảo đó là một lá thư bày bản, ngắn gọn, xúc tích nhé.
Gửi thư cảm ơn cho thấy bạn là một người trẻ biết cách hành xử, tôn trọng người khác và luôn nhớ ơn những ai đã cho bạn một cơ hội, dù chỉ là cơ hội phỏng vấn.
Lá thư này rất hiếm khi được nhiều ứng viên để tâm. Nhiều người nghĩ nó rườm rà, không cần thiết. Nhưng ít ai nghĩ viết một lá thư cảm ơn có thể giúp khơi gợi trong tâm trí nhà tuyển dụng hình ảnh của mình một lần nữa, điều đó không nhất thiết làm họ cân nhắc nhiều về bạn, nhưng ít ra nó làm họ hài lòng về bạn trước khi đưa ra quyết định.
Bạn cũng có thể mong nhà tuyển dụng thông cảm cho những sai sót diễn ra trong quá trình phỏng vấn, nếu như bạn đã làm cho họ có những chỗ không hài lòng.
Người xin việc cũng có thể thêm một vài thông tin còn chưa thảo luận kỹ hay thiếu sót trong cuộc phỏng vấn trước đó, cốt để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một người cầu thị với công việc ra sao.
Khi buổi phỏng vấn của bạn không diễn ra tốt như bạn tưởng, cũng có thể nhà tuyển dụng nói với bạn rằng cơ hội dành cho bạn rất thấp, chúng ta cũng đừng quên đi lá thư cảm ơn này. Hãy cảm ơn họ cho bạn một trải nghiệm quý báo. Bạn cũng có thể xin họ thêm thông tin về một vài công ty khác thích hợp cho mình. Mình nghĩ rằng trước thái độ lịch sự và lễ độ của một ứng viên như thế, nhà tuyển dụng sẽ trả lời thư và biết đâu sẽ giúp bạn có thêm một vài thông tin đăng tuyển tin cậy.
Sau này nếu bạn xin được một công việc thích hợp, đừng quên viết một lá thư cảm ơn nữa cho nhà tuyển dụng ấy.
2. Rút kinh nghiệm
Sau khi phỏng vấn, kinh nghiệm phỏng vấn chính là món quà vô giá cho bạn hơn là việc bạn có tìm được việc hay không.
Đôi khi kinh nghiệm sau khi thất bại sẽ là những bài học chúng ta phải ghi nhớ để củng cố và hoàn thiện bản thân hơn trong những lần phỏng vấn khác.
Có thể bạn đã phạm một số sai lầm trong 15 phút diễn ra phỏng vấn, có thể không. Nhưng cả 2 đều mang đến cho bạn nguy cơ: Không được nhận vào làm.
Tại sao ngay cả khi bạn không làm gì sai cả mà bạn vẫn không được chọn? Vì bạn không có “chân” trong công ty? Vì ngoại hình bạn không được nổi bật? Hay vì bạn quá đẹp? Quá thông minh? Bạn có cái nốt ruồi trên cổ? Gia thế bạn quá nổi bật?…v.v Ý mình là vì những lý do vớ vẫn từ trên trời rơi xuống, có thể làm nhà tuyển dụng cảm thấy không thích bạn, và cảm thấy bạn có cũng được, không có cũng không sao, và sự từ chối một người hoàn hảo như bạn không nhất thiết là sẽ không thể xảy ra, cho nên một cánh ngẫu hứng, nhà tuyển dụng đã cho nó xảy ra.
Trong những trường hợp như vậy, kinh nghiệm dường như chỉ là một cái mĩm cười cho qua, rồi các cơ hội tốt hơn sẽ đến với bạn.
Trong trường hợp cuộc phỏng vấn làm bạn cảm thấy bất an hay cơ hội thành công không cao, hãy rút ra cho mình những kinh nghiệm mà bạn có thể nhận ra, khi bị nhà tuyển dụng nhắc nhở bạn trong buổi phỏng vấn, khi bạn kể lại cuộc phỏng vấn ấy cho người thân và bè bạn của bạn và họ cho rằng có một số chỗ bạn đã thể hiện không tốt. Đa số các nhà phỏng vấn bạn không nhận bạn mà cũng chẳng cho bạn biết lấy một lý do. Không phải là vì họ không có nhã ý, thiện cảm hay thời gian, mà là họ vốn dĩ cho rằng đó đúng ra là việc của bạn, chứ không phải họ, trừ khi bạn tỏ thái độ thành khẩn muốn biết với họ .Bạn có thể đề nghị họ cho bạn biết một cách trực tiếp trước khi rời đi hoặc đề cập đến vấn đề này trong thư cảm ơn hoặc nếu mai mắn gặp một nhà tuyển dụng thân thiện, hãy xin số điện thoại của họ và gọi cho họ, bằng cách này hay cách khác nhắc nhở họ về buổi phỏng vấn và xin họ một vài lời khuyên.
Nếu không thể gom lấy kinh nghiệm từ nhà tuyển dụng, chỉ còn cách nhờ đến chính bản thân bạn. Có thể bạn sẽ phải sử dụng trí nhớ và giả lập lại ký ức của buổi phỏng vấn ấy với một người bạn đóng vai nhà tuyển dụng, và hãy từ từ rút ra những bài học tuy nhỏ, nhưng quý giá cho cả hai.
Kết luận
Có thể đa phần chúng ta đều muốn làm tốt tất cả, và vì thế chúng ta nhất định phải chuẩn bị tốt. Nhưng nếu như trong xin việc nói chung và phỏng vấn xin việc nói riêng, bạn phát hiện ra rằng có những khi biện pháp tốt nhất cũng không thể giúp tạo nên các phép màu, đừng vội chán nản hay dừng bước, bởi ai cũng có thể có những ưu khuyết điểm của mình và trong khi bạn làm phỏng vấn là lúc bạn đang trải nghiệm mà thôi, hãy chuẩn bị tinh thần tiếp xúc với trải nghiệm ấy bằng một thái độ học hỏi nghiêm túc và bằng một niềm lạc quan tươi mới nhé. Đừng quên sau khi phỏng vấn thành công, quá trình thử việc cũng rất quan trọng. Sau khi có được công việc tại công ty, hãy không ngừng phấn đấu hoàn thiện tác phong, kỹ năng nghiệp vụ của mình, đừng biến tất cả những gì bạn nói ra trong buổi phỏng vấn chỉ là phù phiếm.
Chúc những bạn đang xin đi xin việc có được một cuộc phỏng vấn ý nghĩa và quan trọng là đừng để bản thân cảm thấy hối hận vì tất cả những nổ lực của mình trong quá trình tìm việc nhé.
Một lần nữa cảm ơn tất cả những ai đã dành thời gian cho những chia sẽ của mình. Mình mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ tất cả các bạn đọc để nội dung bài viết ngày một hoàn thiện hơn.
Kevin Phùng viết
Xin chào anh,
Anh cho em hỏi là nếu cần nhập Súng bắn thử vỉa trong dầu khí cùng các linh kiện đạn nổ thì nhập qua đường hàng ko hay biển được, thủ tục và quy trình có phức tạp không? Công ty vận chuyển có thể xử lý được hàng này hay liên quan tới Bộ QP hả anh?
Amy Vo viết
Hi bạn,
Không biết mình có thể giúp được gì cho bạn không. Nếu cần bạn gọi vào số điện thoại này cho mình nhé: 0931 330 741
Dung Phan viết
Cám ơn anh vì bài viết, rất hay ạ! Anh có thể đưa ra một vài lời khuyên giúp em được không ạ.
Em thất nghiệp đã mấy tháng nay rồi. 🙁
Cách đây 1 tuần em có đi nộp hồ sơ ở một công ty giày da của Trung Quốc, hiện tại công ty vẫn đang trong quá trình xây dựng nhà máy, họ tuyển các vị trí đều yêu cầu biết tiếng Trung. Vì em chỉ biết tiếng Anh và chỉ có vị trí nhân viên xuất nhập khẩu yêu cầu tiếng anh nên em đã đang ký vị trí đó. Nhưng em học kế toán, và hiện tại chưa có kinh nghiệm. Trước đó em từng làm quản lý cho một siêu thị mini và làm thu phí đường bộ. Vì công ty gần nhà, và khi tìm hiểu về logistics em thấy mình rất thích công việc đó và mong muốn được tuyển vào công ty đó.Hôm đó e gặp chú tuyển dụng người TRung Quốc có hỏi sơ qua em bằng tiếng anh và Họ có hẹn em đầu tháng 2 đi phỏng vấn.
Anh cho em hỏi là em cần chuẩn bị những gì ạ trong hơn 1 tháng nữa. Rất mong được anh tư vấn!
Em cám ơn anh nhiều ạ!
Song Ánh Trần viết
Anh đã viết trong bài viết rồi đó em. Nhưng thứ gì chuẩn bị thì em đọc trong bài viết nhé.
HUYNH viết
Trang web rất bổ ích cho các bạn làm nghề Log
Cảm ơn bạn
Song Ánh Trần viết
Thank you !
Quang Vinh viết
Bài viết đầu tư tốt, nội dung phong phú
Song Ánh Trần viết
Cam on ban